4 món đặc sản mùa nổi miền Tây níu chân khách du lịch

Cẩm nang du lịch 08/08/2022 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Mùa nước nổi là thời điểm lý tưởng để du lịch miền Tây thưởng thức các món ăn đặc trưng chỉ có trong mùa này. Khoảng giữa tháng 8 đến cuối tháng 11, những loại rau đặc sản miền sông nước đua nhau phát triển, trở thành nguyên liệu chính trong nhiều món ngon.

 

Bông súng mắm kho

Bông súng mắm kho
Ảnh: Twitter/Phạm Văn Dũng

Bông súng mắm kho là đặc sản của miền sông nước và cũng mang hương vị ẩm thực đặc trưng ở vùng Đồng Tháp Mười. Cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm, beo béo của thịt ba rọi, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the của sả, cay của ớt làm nên món ăn dân dã khó quên.

Gỏi tép bông điên điển

Gỏi tép bông điên điển
Vào mùa nước nổi, các bờ kênh, bờ ao, ngoài ruộng… đâu đâu cũng được phủ một màu vàng rực rỡ của những chùm bông điên điển. Vì vậy, người ta ví bông điên điển như "mai vàng mùa nước nổi" của vùng đất phương Nam. Điên điển thơm, giòn, vị bùi béo, khi hái về, ngắt phần cuống và rửa sạch là có thể ăn được. Nguyên liệu này có thể được kết hợp trong món bánh xèo, muối dưa, làm gỏi, bún cá, xào tép hay thịt bò, nhúng lẩu mắm hoặc lẩu cá linh... Thế nhưng phiên bản gỏi tép trộn bông điên điển chua ngọt là món được yêu thích hơn hẳn. Tép rang vàng giòn, trộn đều với bông điên điển và ngó sen, cà rốt bào sợi, hành tây cắt mỏng hòa cùng nước mắm sốt chua ngọt. Thưởng thức cùng bánh phồng tôm càng hợp vị khiến người ta ăn hoài mà không biết chán.

Gỏi sầu đâu khô cá lóc

Gỏi sầu đâu khô cá lóc
Ở miền Tây, mỗi năm cứ đến mùa nước nổi, lá sầu đâu non và mơn mởn trở thành món đặc sản không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày, có thể chấm mắm kho, cá kho, ăn với cá linh non kho hoặc mắm thái, mắm chưng… đều là sự kết hợp hấp dẫn. Sầu đâu vốn có vị đăng đắng, chan chát, song khi nhai kỹ, bạn sẽ cảm thấy hậu vị ngọt thanh. Người dân cũng thường trộn gỏi sầu đâu với khô cá lóc hoặc khô cá sặc nướng xé nhỏ, thịt ba rọi luộc thái mỏng, dưa leo, cà chua... Tất cả nguyên liệu quyện vị nước mắm pha đậm đà. Món này đặc biệt phổ biến ở An Giang.

Cua đồng luộc

Cua đồng luộc
Nguồn nước dồi dào không chỉ mang đến cá tôm mà còn là sự trù phú của cua đồng, thức quà dân dã nhưng chẳng thua kém về độ hấp dẫn. Cua tầm này đã chắc thịt, càng to nên được cho vào món phụ sau bữa ăn để nhâm nhi đỡ “buồn” miệng. Thịt cua đồng tuy không mươn mướt, ngồn ngộn như cua biển nhưng vẫn có độ ngọt và dai thơm đặc sắc. Nếu thân cua thường dùng để nấu canh, lẩu hay bún riêu thì càng cua còn được yêu thích nhiều hơn hẳn. Càng cua to, cứng cáp và chắc thịt sẽ chế biến theo kiểu hấp sả, luộc hay rang muối. Dù là hình thức gì cũng vẫn khiến người ta “nao lòng” vì độ ngọt béo tự nhiên. Thú vui của người miền Tây độ này là ngồi thi nhau cắn càng cua đấy.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên