Ẩm thực đại ngàn, say lòng du khách
Nếu ai đã có dịp đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió và ghé thăm phố núi Pleiku, Đắk Nông, Đắk Lắk... ắt hẳn đều sẽ bị cuốn hút bởi vô vàn những món ăn đặc sản nơi đây, từ các món thịt rừng thơm ngon đến những món cây nhà lá vườn dân dã.
Cơm lam
Ảnh: @minhhang2206Nhiều khách du lịch đến Đắk Nông uống rượu cần sẽ nghĩ ngay tới cơm lam. Những hạt gạo nếp dẻo thơm lẫn hương rừng bùi mà không cứng, ăn hoài mà không thấy ngán. Cơm lam thường được ăn cùng với thịt nướng hoặc cá nướng thơm lừng béo ngậy, nhiều khi không có thức ăn kèm, người ta vẫn thấy rất rõ cái vị đậm đà của nó.
Cá lăng nướng than
Ảnh: @miss.julyphamTrong các món đặc sản của núi rừng thì món cá lăng nướng than hồng được rất nhiều người ưa thích. Cá lăng được đánh bắt từ dòng sông Sêrêpôk, thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai và thơm phức. Người dân ở đây thường bọc cá lăng trong một loại lá rừng rồi mới đem nướng. Thêm một ống cơm lam, một đĩa gà nướng là cũng đủ khiến thực khách nhớ hoài bữa ăn mang đậm “chất” đại ngàn này rồi.
Lẩu lá rừng
Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn xanh đã thấm vào từng chiếc lá để bạn có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Tây Nguyên qua món ăn này. Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu, món "lẩu" lá rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê ở Pleiku, được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Vị cay nồng của lá cây tươi, kèm theo chút vị ngọt của các loại gia vị sẽ là thứ khiến bạn không bao giờ quên.
Canh thụt đọt mây
Đây là món ăn đặc sản của người M’nông, Mạ, phổ biến ở vùng phía nam tỉnh như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa, để đãi bạn bè, khách quý và dùng trong các lễ hội. Ngoài đọt mây, nguyên liệu nấu canh thụt còn gồm rau nhíp, măng, thịt hoặc cá suối, ít con mối và vài con dế dũi. Tất cả nguyên liệu được cho vào ống lồ ô tươi, bịt kín đầu. Khi nấu, ống lồ ô phải để nghiêng trên lửa và quay tròn cho canh chín đều. Khi nấu vừa chín tới, người ta thường lấy đoạn dây mây có gai đâm vào trong ống cho các nguyên liệu nhừ nát, hòa quyện vào nhau. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thụt đều, có thể bỏ thêm một ít rau thơm. Theo một số người thì món này có thể ví như một loại “thực phẩm chức năng” hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết của người dùng.
Cà đắng
Cà đắng là món ăn dân dã của người dân tộc thiểu số Kon Tum. Trước đây, cà đắng là cây mọc hoang nay được bà con dân tộc mang về trồng trong vườn nhà, trái to hơn, màu xanh nhạt, vị đắng giảm đi chút ít, dễ ăn hơn và phù hợp với khẩu vị nhiều người.Cà đắng được xắt từng lát mỏng, xiên qua từng que đặt lên nướng, khi cà chuyển sang màu nâu sậm, dậy mùi thơm lan tỏa và vừa chín tới, vẫn còn giữ chút nước đắng, hơi dai dai, mềm mềm, chấm với muối tiêu rừng hoặc ăn kèm với thịt rừng nướng rất ngon. Ngoài ra cà đắng còn nấu thành nhiều món kho với tôm, tép bắt được dưới sông hay cà đắng um lươn, ếch, món nào cũng ngon, cũng dậy lên hương thơm quyến rũ.