Dạo bước trên nẻo đường Cố Đô khám phá làng nghề ở Huế

Cẩm nang du lịch 16/04/2021 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Du lịch Huế, ngoài trải nghiệm danh lam thắng cảnh, bạn đừng bỏ các làng nghề ở Huế mang đậm giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố Đô như làm hoa giấy, hương trầm (nhang), phấn nụ,...

 

Làng hoa giấy Thanh Tiên

Làng hoa giấy Thanh Tiên
Ảnh: Văn Phúc

“Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng/Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa” là câu ca dao đặc trưng ở làng Thanh Tiên. Làng hoa giấy Thanh Tiên đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm và trở thành một nét đẹp lịch sử ở Huế.

Để làm ra một cành hoa giấy đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm và sự nhẫn nại. Theo các nghệ nhân, làm hoa giấy có rất nhiều công đoạn từ chọn giấy, vót tre, phơi tre, nhuộm giấy, cắt cánh, tạo nhụy hoa và tạo nếp nhăn trên hoa... Đặc biệt với hoa sen, người thợ cần đạt đến độ tỉ mỉ cao tay hơn để tạo nên những đóa hoa chân thật nhất.

Làng hương Thủy Xuân

Làng hương Thủy Xuân
Nằm ở khu vực chân đồi Vọng Cảnh, Thủy Xuân là làng nghề truyền thống nổi tiếng của vùng đất Cố Đô. Đến đây, ngay từ đầu làng, bạn đã cảm nhận được hương thơm ngào ngạt và sắc màu sặc sỡ của những hàng hoa hương.

Người làng hương Thủy Xuân thường không được đào tạo để trở thành làng nghề du lịch. Tuy nhiên, họ đã dùng chính sự chân chất, mộc mạc của mình để trò chuyện và giới thiệu cho du khách về đặc điểm của làng nghề mang đậm hồn quê. Đến với Thủy Xuân – làng nghề ở Huế, bạn sẽ được tận mắt xem quá trình làm nên những nén hương thơm ngát từ công đoạn vót tre làm lõi, trộn bột,… qua đôi tay thoăn thoát của “người nghệ nhân” chắc chắn sẽ làm bạn hoa mắt và mê mẩn.

Làng nghề làm phấn nụ

Làng nghề làm phấn nụ
Mang hình hài của nụ hoa đang hé nở, phấn nụ chính là sự kết tinh của đất trời và bề dày lịch sử của Cố Đô Huế. Dân gian lưu truyền rằng, Từ Cung hoàng thái hậu, mẹ của vua Bảo Đại nhờ dùng phấn nụ mà đến 80, 90 tuổi làn da bà vẫn trắng mịn, không một vết tàn nhang, đồi mồi. Để có những thỏi phấn đạt chất lượng, người nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ.

Nguyên liệu chính để làm phấn nụ phải là loại cao lanh trắng hảo hạng kèm theo 10 vị thuốc Bắc và các loại hoa có tác dụng dưỡng da, làm mát da. Hiện tại, nghề làm phấn nụ tại Huế đã dần mai một và chỉ còn mốt số ít các hộ gia đình theo đuổi. Nếu được tự tay thực hiện viên phấn nụ Huế, bạn sẽ cảm thấy đây là loại mỹ phẩm đơn sơ hơn các loại khác. Dù phấn nụ không được đầu tư nhiều về bao bì, nhãn mác nhưng sự mộc mạc của nó sẽ gợi nhớ cho bạn về tinh hoa của truyền thống dân tộc.

Làng nghề thếp vàng, sơn mài Tiên Nộn

Làng nghề thếp vàng, sơn mài Tiên Nộn
Ảnh: VOV

Sơn mài Tiên Nôn là một trong những làng nghề ở Huế thu hút được sự tò mò của du khách nhất. Bởi, cùng với kiến trúc, điêu khắc, sơn mài có mặt khắp nơi: từ các đình chùa làng xã, đến đền đài lăng tẩm, cung điện của vua chúa đều được sơn thếp vàng son lộng lẫy.

Sơn mài truyền thống Huế có thể chia thành ba loại: sơn quang, sơn son thếp vàng và sơn mài đắp nổi. Gam màu cổ truyền và căn bản của những tác phẩm sơn mài là cánh dán, đỏ, đen, màu của vàng, bạc nguyên chất dưới dạng bột hay được dát mỏng thành lá. Về sau, hệ màu này được bổ sung thêm sắc độ xanh, xám, màu trắng vỏ trứng, màu hồng vỏ cua, vỏ trai, vỏ ốc… Ngày nay, làng Tiên Nộn không còn người làm nghề sơn mài nhưng sức sống của nghề sơn mài vẫn được duy trì và phát triển như là một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Huế.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên