Đề xuất giảm thuế, lãi suất cho Ngành Du lịch - Hàng không “vực dậy” sau dịch
Sáng 8-8-2021 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp hàng đầu, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương.
Hội nghị cho thấy Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành cùng các doanh nghiệp. Theo đó, về phía đại diện lĩnh vực Lữ hành - Hàng không có sự tham dự của bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng giám đốc Vietravel Holdings. Đây là tập đoàn duy nhất của Việt Nam vừa kinh doanh Lữ hành quốc tế vừa tham gia thị trường hàng không và đang chịu những thiệt hại đáng kể trong đại dịch COVID-19. Tập đoàn đã có những kiến nghị lên Thủ tướng chính phủ nhằm đảm bảo các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp Du lịch và Hàng không tăng khả năng "sống sót" và hoạt động trở lại sau khi dịch được khống chế.
Thứ 1, Vietravel Holdings kiến nghị Chính phủ và Quốc hội thiết kế chính sách xem xét giảm thuế VAT xuống 5% và thuế TNDN xuống 16% trong 3 năm đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch và hàng không. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp ngành này có thể phục hồi, tăng trưởng trở lại sau khi dịch đi qua.
Thứ 2, cần thiết kế các gói vay với lãi suất ưu đãi cho riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và hàng không. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản nhưng hầu như không mang tính khả thi cao. Cụ thể, các NH vẫn hạ bậc tín dụng các doanh nghiệp khi cơ cấu lại khoản nợ dẫn đến giảm khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới của doanh nghiệp. Mặc dù có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất nhưng chỉ 4 NH triển khai và NHNN cũng không có chế tài gì nên thỏa thuận thực tế áp dụng không có mang tính hiệu quả. Ngay chủ trương giảm tiền thuê đất và nhà nhằm giảm khó khăn cho DN và người dân, nhưng đến nay vẫn không có văn bản hướng dẫn triển khai nên không thực hiện được. Chính phủ cần đặc biệt chú ý giải quyết ngay vấn đề cốt tử này để kịp thời giúp cho doanh nghiệp tồn tại được và điều này cũng giúp các chính sách của của chính phủ thực thi hiệu quả. "Cần ban hành ngay chính sách mới kèm chế tài cụ thể về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cũng như không hạ bậc tín dụng doanh nghiệp trên kênh liên ngân hàng", đại diện Vietravel Holdings nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đai diện các hiệp hội, doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Thứ 3, các gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng và bây giờ là 26.000 tỉ đồng đều thực hiện qua bộ máy quản lý hành chính, trong khi đúng ra cần có thêm kênh doanh nghiệp tham gia sẽ nhanh, chính xác và hiệu quả hơn. Với vai trò của doanh nghiệp, tiền hỗ trợ người lao động sẽ trả thẳng cho những doanh nghiệp vẫn hàng tháng đang nộp BHXH và Bảo hiểm Y tế, nên việc triển khai sẽ nhanh chính xác hiệu quả và tránh cho người lao động phải di chuyển, giấy tờ.
Thứ 4, cần nghiên cứu và ban hành chính sách cho toàn bộ các doanh nghiệp Hàng không để hỗ trợ trực tiếp, chứ không nên chỉ "giải cứu" một hãng hàng không, tạo sự công bằng cũng như sức cạnh tranh của ngành. Cùng với đề xuất này, Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin đề nghị được cho vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất thấp trong 5 năm.
Để chuẩn bị cho quá trình hồi phục, lúc này tập trung triển khai chương trình "Hộ chiếu vaccine " tại Phú quốc, Nam Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn, thành phố Huế, TP Vân Đồn và TP Hạ Long cho các du khách đã tiêm 2 mũi và có xét nghiệm âm tính 24h trước khi vào Việt Nam. Cho phép các doanh nghiệp được trả chi phí tiêm vaccine cho cán bộ nhân viên của mình nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh không bị gãy đổ.
Cuối cùng, tập đoàn cũng đề xuất Chính phủ tập trung áp dụng và đưa Công nghệ số hóa vào quản lý Xã hội và điều hành hoạt động Phòng chống dịch bệnh cũng như sản xuất kinh doanh.
Với những kiến nghị này, Vietravel mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm cũng như phản hồi tích cực của Thủ tướng chính phủ, Các cơ quan ban ngành để cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.