Du lịch Indonesia khám phá bí ẩn khối cự thạch thung lũng Bada
Thung lũng Bada (còn được gọi là thung lũng Napu), là một địa điểm du lịch nổi tiếng bí ẩn của Indonesia bởi những khối cự thạch kỳ lạ được đặt trong Công viên Quốc gia Lore Lindu.
Những cự thạch được khám phá lần đầu tiên ở thung lũng Bada (thung lũng Napu) vào năm 1908. Khoảng vài trăm cự thạch nằm bên trong và xung quanh công viên, thường được tạc thành hình tượng và rất nhiều hình tượng trong số đó mô tả hình dạng con người. Cho đến nay người ta vẫn chưa biết gì nhiều về ý nghĩa của những hình tượng cự thạch này.
Điều bí ẩn của các khối cự thạch ở thung lũng Bada
Một số người cho rằng chúng đã được đẽo khắc cách đây 5.000 năm, một số khác lại cho rằng chúng được làm trong một thời gần đây hơn, khoảng 1.000 năm. Và cũng có người nói chúng liên quan đến một nền văn hóa đã chạm trổ những khối cự thạch ở Lào, Campuchia và những nơi khác của Indonesia 2.000 năm trước. Song, không ai trong số những tác giả đã đẽo gọt những khối cự thạch này được biết tới. Dù theo giả thuyết chúng là sản phẩm của một nền văn hóa đã tạo ra các khối cự thạch ở các khu vực khác của Đông Nam Á, nhưng phải công nhận những khối cự thạch ở thung lũng Bada là độc đáo duy nhất và có thể đã được làm ra từ một nền văn hoá hoàn toàn khác.
Hình dáng của các khối cự thạch trong thung lũng Bada
Đa số các khối cự thạch ở đây được chạm khắc hình người hoặc giống người. Với cái đầu cực kỳ to, thân hình thẳng và không có chân. Phần khuôn mặt được hiển thị với đôi mắt to tròn và một đường duy nhất để đại diện cho lông mày, má và cằm. Một số cự thạch có cơ quan sinh dục ngoài. Nhiều bức tượng đứng một mình, một số được đứng theo cặp hoặc theo những nhóm nhỏ.
Các câu chuyện tính ngưỡng xoay quanh khối cự thạch
Mục đích ban đầu của các khối cự thạch đã biến mất theo năm tháng dù có nhiều suy đoán về chúng. Người dân địa phương cho rằng cự thạch này đã từng được sử dụng để thờ cúng tổ tiên, họ vẫn còn kể những câu chuyện về cách các khối cự thạch này được tạo ra. Chẳng hạn, họ đã đặt tên cho một khối cự thạch là Tokola’ea, có nghĩa là một kẻ hiếp dâm đã bị biến thành đá, các vết cắt sâu trong khối cự thạch này được cho là các vết dao đâm. Khối cự thạch Tadulako được cho là của người đã từng là bảo vệ ngôi làng, tuy nhiên sau khi lấy cắp gạo, người này đã bị biến thành đá. Một số cự thạch khác được cho là bị hóa đá vì hy sinh cho con người. Một vài người tin rằng các bức tượng là để xua đuổi tà ma, thậm chí còn có người cho rằng các cự thạch có sức mạnh siêu nhiên và có thể biến mất hoặc di chuyển từ nơi này sang nơi khác.Bất kể mục đích ban đầu của chúng là gì, những viên đá được sử dụng để khắc những bức tượng này thuộc loại không tìm thấy ở bất cứ đâu gần khu vực, do đó làm tăng khả năng chúng được vận chuyển từ nơi khác.
Kalamba – Một bí ẩn khác của thung lũng Bada
Ngoài những pho tượng cự thạch độc đáo, thung lũng Bada còn nổi tiếng với nhiều chậu đá hình tròn gọi là kalamba với đủ mọi hình dáng và kích thước được đẽo khắc từ một khối đá duy nhất. Một số kalamba có một lỗ ở giữa, số khác thì có 2 lỗ. Theo tín ngưỡng địa phương, các kalamba này được dùng để tắm cho quý tộc và các vị vua. Những cũng có người cho rằng các kalamba này dùng làm quan tài hoặc có thể là bể chứa nước.Tuy nhiên, những nắp đậy bằng đá cũng đã được tìm thấy gần các kalamba, điều này cho thấy chúng đã được dùng để che những thùng lớn này, điều đó khiến không chắc chúng có thể được dùng như bồn tắm. Thật không may, trước khi các nhà khảo cổ khám phá những cự thạch bí ẩn, người dân địa phương đã cạo lớp rêu dày bám trên mặt đá để làm sạch chúng cho nên rất có thể họ đã vô tình xóa mất một số vết tích nào đó có thể giải thích những bí ẩn lịch sử.