Kinh nghiệm du lịch Nhật Bản
Cùng Vietravel khám phá những điều lưu ý trước khi đến với "Đất Nước Mặt Trời Mọc"
Vài nét về Nhật Bản
- Nhật Bản là tên của một quốc gia hải đảo hình vòng cung, có diện tích tổng cộng là 377.834 km² nằm xoải theo bên sườn phía đông lục địa châu Á, nằm ở phía đông của Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc và trải từ biển Okhotsk ở phía bắc đến biển đông Trung Quốc ở phía nam. Tên "Nhật Bản" viết theo ký tự Latin (Romaji) là Nihon hoặc Nippon, theo chữ Hán hai chữ "Nhật Bản" có nghĩa là "gốc của Mặt Trời" và như thế, được hiểu là "xứ sở Mặt Trời mọc". Nhật Bản còn có các mĩ danh là "xứ sở hoa anh đào", vì cây hoa anh đào (sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam, những cánh hoa "thoắt nở thoắt tàn" được người Nhật yêu thích, phản ánh tinh thần nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc họ.
- Nước Nhật có 4 đảo lớn theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là: Hokkaido (Bắc Hải Đạo), Honshu (Bản Châu), Shikoku (Tứ Quốc) và Kyushu (Cửu Châu) cùng hàng ngàn đảo nhỏ chung quanh. Phần lớn đảo ở Nhật Bản có rất nhiều núi và núi lửa, tiêu biểu như ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản, núi Phú Sĩ.
- Nhật Bản được coi là một trong những nơi đẹp nhất thế giới với bốn mùa thay đổi rõ rệt: mùa xuân với hoa anh đào nở dần từ nam lên bắc, mùa hè cây cối xanh mướt, mùa thu lá phong (momiji) đỏ thắm từ bắc xuống nam, mùa đông tuyết trắng tinh khôi. Ngọn Núi Phú Sĩ (Fujisan) cao nhất Nhật Bản, nằm giữa đồng bằng, lại có tuyết bao phủ nơi phần đỉnh núi, là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang cũng như của các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhiếp ảnh gia và họa sĩ khắp bốn phương.
Ngôn ngữ
- Tiếng Nhật là ngôn ngữ chính, bao gồm cả Hán tự mượn của Trung Quốc và chữ Hiragana, Katagana và chữ phiên âm. Ở những nơi công cộng như nhà ga, bến tàu, trung tâm mua bán, trên tàu xe đều có chữ phiên âm, hoặc tiếng Anh. Nếu Quý khách để ý sẽ thấy rất dễ hiểu. Ngoài ra còn hệ thống các bảng chỉ dẫn bằng hình ảnh, màu sắc và số thứ tự.
Một số câu giao tiếp thông dụng:
- Xin chào……………………………………………Ô hai yô
- Cám ơn……………………………………………..A ri ga tô
- Xin lỗi…………………………………………… Su mi ma sen
- Tạm biệt…………………………………………..Say yô na ra
- Vâng…………………………………………………Hầy
Thời gian
- Nhật đi trước Việt Nam hai tiếng đồng hồ (GMT+9).
Ví dụ: ở Nhật là 8h sáng thì ở Việt Nam là 6h sáng.
Thời tiết
Nhật Bản thuộc vùng ôn đới, có 4 mùa rõ rệt. Du khách có thể đến thăm Nhật Bản vào bất kỳ mùa nào trong năm.
- Tháng 1-2: Ở Nhật Bản,có thể nói thời điểm cuối tháng 1 đến tháng 2 là thời điểm tiết trời ở nhiệt độ lạnh nhất.Vùng Osaka là khu vực có nhiệt độ khá ấm so với các khu vực khác bởi cho đến thời điểm này hầu như vẫn chưa có tuyết rơi, trong khi phía Bắc của Nhật bản lúc này tuyết đã phủ trắng mọi nẻo đường. Đối với những người yêu thích môn trượt tuyết thì đây là thời điểm lý tưởng để tham gia các môn trượt tuyết.
- Tháng 3-4: được xem là thời gian lý tưởng nhất để du lịch tại Nhật vì tại hầu hết các vùng trong cả nước đều tràn ngập sắc hoa anh đào. Đây cũng là tháng du lịch cao điểm tại Nhật.
- Tháng 5: Tuần lễ Vàng là mùa cao điểm nhất tại Nhật, diễn ra vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Sau tuần lễ Vàng này (vào khoảng cuối tháng 5) là thời gian tốt để du lịch vì thời tiết đẹp, giá vé máy bay thường thấp và các khu tham quan không quá đông đúc.
- Tháng 6: mùa mưa trên hầu hết các nơi tại Nhật, trừ Hokkaido. Các khu suối nước nóng như ở Hakone và đền gỗ Koyasan rất quyến rũ vào những ngày mưa.
- Tháng 7-8: Thời tiết nóng ẩm, là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội. Đồng thời đây cũng là bắt đầu thời gian nghỉ hè của các trường học (kết thúc vào khoảng cuối tháng 8). Ngoài ra, vào giữa tháng 8 diễn ra tuần lễ Obon - một trong ba mùa cao điểm nhất tại Nhật. Do vậy, mùa này giá phòng khách sạn thường tăng cao.
- Tháng 9: Mùa thấp điểm tại Nhật do ảnh hưởng của mùa bão, vào mùa này các khu du lịch vắng khách và do vậy giá phòng tại Nhật cũng thấp.
- Tháng 10-11: thời tiết ở Nhật Bản bắt đầu se lạnh, sự thay đổi của sắc lá phong từ xanh sang đỏ cũng giống như hiệu ứng lan truyền của hoa anh đào nở trong mùa xuân.
- Tháng 12: thời tiết khô ráo trên khắp nước Nhật, là tháng thích hợp cho du lịch, giá vé máy bay thường thấp trong khoảng nửa đầu tháng 12.
Trang phục
- Khi đi sang Nhật, du khách nên mang trang phục gọn nhẹ, đủ ấm.
- Nên mang nhiều áo thun
- Không nên mang nhiều áo nặng.
- Mang theo khăn quàng cổ, nón, giày thấp - bít để tiện việc đi lại.
Đặc biệt, vào các ngôi chùa, lăng tưởng niệm, Quý khách phải mặc trang phục kín đáo (nam: tránh áo thun ba lổ, quần short).
- Mùa Đông : Quý khách mang theo áo khoác loại dày, nón, găng tay bằng len hoặc da, khăn choàng cổ, son môi giữ ẩm, body lotion…
Tiền tệ
- Tại Nhật chỉ sử dụng duy nhất tiền Yên (¥). Tỷ giá : 1 USD = 83.7¥, 1¥ = 232 VND
- Quý khách có thề đổi tiền ở các quầy CURRENCY EXCHANGE trong sân bay, trong siêu thị, tại khách sạn hoặc hướng dẫn viên địa phương … Tuy nhiên, thủ tục đổi tiền USD sang tiền Yên Nhật ở các khách sạn lớn hoặc các sân bay quốc tế khá phức tạp và chờ rất lâu. Ngoài ra khi mua sắm ở Nhật chủ yếu tiền yên được sử dụng, những ngoại tệ khác ít khi được chấp nhận ngoại trừ một số cửa hàng chuyên bán hàng cho người nước ngoài. Do đó, Quý khách nên chuẩn bị trước khi đi có thể mua Yên Nhật tại các quầy đổi tiền ở khu vực trung tâm thành phố như đường Lê Lai, Nguyễn Huệ …
- Tiền giấy Nhật có các mệnh giá: ¥1000, ¥5000, và ¥10.000
- Mệnh giá tiền kim loại: ¥1, ¥5, ¥10, ¥50, ¥100, ¥500. Tiền xu không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật vì nó gắn liền với hệ thống máy bán hàng tự động & cả trong giao thông cộng. Bạn có thể dễ dàng mua thức uống, thức ăn, gọi điện thoại hay đi tàu điện ngầm bằng tiền xu hầu hết ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ nước Nhật.
- Thẻ tín dụng VISA CARD được sử dụng tại Nhật.
Điện
Ở Nhật sử dụng điện 100V, Quý khách nên chuẩn bị các thiết bị thích hợp với nguồn điện trên khi cần nạp điện vào các thiết bị điện tử. Ngoải ra, do ổ cắm dẹp được sử dụng hầu hết nên Quý khách phải mang theo phích cắm chuyển đổi.
Khách sạn
- Trong các khách sạn đều có trang bị sẵn khăn tắm, xà phòng, dầu gội đầu, sữa tắm, khăn giấy ... Quý khách tùy nghi sử dụng.
- Quý khách cũng nên tự trang bị cho mình bàn chải đánh răng và các đồ dùng cá nhân cần thiết khác.
- Quý khách có thể xem các kênh truyền hình khác ngoài kênh truyền hình Nhật. Tuy nhiên, cũng có một số kênh phải trả phí (mặc dù quý khách chưa xem, chỉ mới dò kênh & kênh đó được tự động kết nối). Về điều này, quý khách nên đọc kỹ bảng hướng dẫn sử dụng dịch vụ trong phòng hoặc có thể hỏi Trưởng đoàn, hướng dẫn viên...
- Trong phòng khách sạn có trang bị một tủ lạnh nhỏ gọi là mini bar, Quý khách nên đọc những hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, không nên vì hiếu kỳ mà lấy những đồ (rượu..) ra khỏi tủ lạnh hay mở nắp (dù chưa sử dụng) cũng có thể phải bị tính phí. (Quý khách phải trả tiền nếu sử dụng bất cứ dịch vụ nào - thanh toán tại Quầy tiếp tân của khách sạn khi trả phòng)
Phương tiện giao thông công cộng
- Xe cộ lưu thông ở Nhật khác chiều với Việt Nam.
- Hệ thống giao thông của Nhật Bản nổi tiếng tiện lợi và an toàn vào loại bậc nhất thế giới, nhờ vào các phương tiện giao thông công cộng đa dạng và hoàn thiện phủ rộng khắp nơi, chính xác đến từng giây, từng phút. Tuy nhiên để được như vậy chính là nhờ ý thức tôn trọng nghiêm chỉnh luật lệ giao thông của người Nhật. Người dân Nhật đi bộ rất nhiều và họ luôn đi đúng vạch trắng, tuân thủ tuyệt đối theo những tín hiệu giao thông quy định khi băng qua đường. Nếu lần đầu tiên đến Nhật, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước cảnh rất nhiều người kiên nhẫn đứng chờ tín hiệu đèn xanh để sang đường trong khi trên đường phố không có bất kì chiếc xe nào đang lưu thông.
Điện thoại
- Cảnh sát: 110
- Cấp cứu/cứu hỏa: 119
**Từ Nhật gọi điện thoại về VN:
- Quý khách có thể gọi điện thoại trực tiếp từ phòng trong khách sạn hoặc tại quầy tiếp tân.
- Quý khách có thể mua thẻ gọi điện thọai công cộng trị giá ¥1000 để gọi từ cột điện thoại công cộng ở phố cũng như ở tiền sảnh khách sạn.
- Cước điện thọai quốc tế gọi từ Nhật giá khá đắt.
- Cách gọi về VN: Nếu gọi máy bàn: 00+ 84 + Mã tỉnh + số điện thoại bàn.
Ví dụ: gọi về công ty Vietravel thì chuỗi số là 00 84 8 38228898.
Nếu gọi số di động: 00+ 84 + Số điện thoại di động (bỏ số 0 đầu tiên)
Ví dụ: gọi về số di động chuỗi số là 0084 909 123456
**Từ Việt Nam gọi đi Nhật:
Gọi điện thoại cố định Tokyo: 00 + 81 + 3********
Gọi điện thoại cố định Osaka: 00 + 81 + 6********
Gọi điện thoại cố định Kyoto: 00 + 81 + 75*******
Gọi điện thoại cố định Nagoya: 00 + 81 + 52*******
Mua sắm
- Khi mua hàng tại Nhật Bản đa số sử dụng tiền bản địa, một số cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop - DFS) có thể trả bằng dollar (USD), nhưng tỷ giá thấp hơn.
- Mặc dù Nhật Bản là đất nước có một số thành phố với giá cả sinh hoạt thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, nhưng nếu biết cách, Quý khách cũng có thể mua được những món hàng giá cả hợp lý với chất lượng “Nhật Bản”, có thể kể đến một số mặt hàng sau:
• Đầu tiên phải kể đến là các thiết bị điện tử thông dụng như: máy chụp hình, máy quay phim, kim từ điển, ipod … tại các trung tâm thương mại lớn. Nếu bạn có khoản giắt lưng kha khá, hãy đến thánh địa của đồ điện tử Akihabara hoặc khu bán đồ điện tử máy quay phim ở Shinjnku, có lẽ đây là nơi đáng để bạn tiêu những đồng tiền quý giá của mình. Kể cả bạn là một chuyên gia tin học thì cũng phải bất ngờ trước những phần cứng và phần mềm tin học mới đến mức bạn chưa từng nghe thấy.
• Tiếp đến là mỹ phẩm của các hãng danh tiếng về chất lượng như: Shiseido, Kanebo, Kose hoặc một số sản phẩm của các hãng Châu Âu sản xuất tại Nhật.
• Ngoài ra, hệ thống cửa hàng 100 yên luôn là điểm hấp dẫn du khách với những món hàng rất hữu ích trong đời sống hằng ngày như: bút viết các loại, các đồ dùng trong nhà bếp, đến các vật phẩm lưu niệm xinh xinh, bắt mắt…
Nên đem theo một máy tính nhỏ (loại bỏ túi) khi đi mua sắm vì hầu hết nhân viên bán hàng đều nói tiếng Nhật, ít biết sử dụng tiếng Anh.
Ẩm thực
- Người Nhật rất kỹ tính và cầu kỳ trong ăn uống, nhiều khi đến mức khó chịu: “Cái gì cũng được nâng lên thành nghệ thuật”. Thức ăn của Nhật chia thành hai phần: tempura và sushi. Tempura là thức ăn đã đun (rán, nấu…), Sushi là những món ăn tươi nguyên chất - “sống”. Khi ăn chúng bạn có cảm giác như mình đang hòa mình vào thiên nhiên. Nếu bạn có nhiều tiền thì hãy vào những nhà hàng sang trọng, còn nếu không thì hãy trở lại những quán ăn bình dân ở nhà ga Shimbashi hoặc nhà hàng Ramen. Bạn cũng có thể tìm thấy những món do người nhập cư từ Kyoto, Hokkaido, Triều Tiên, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam…
- Nhìn chung thức ăn Nhật cũng tương đối dễ ăn, tuy nhiên đề phòng khi ăn không quen, Quý khách có thể mang theo mì gói dạng hộp để tiện sử dụng.
Lễ hội
- Nhật Bản có nhiều ngày lễ và lễ hội được tổ chức quanh năm. Hầu hết các lễ bây giờ được tính theo Dương lịch, nhưng cũng có những lễ hội được tính theo âm lịch. Hầu hết xuất xứ của các lễ hội ở Nhật Bản đều gắn với sự chuyển mùa, với các hoạt động nông nghiệp, hoặc những mong muốn về sự bình an, khoẻ mạnh cho mọi người.
*Các lễ hội trong năm
- Năm mới (shogatsu): Cũng như nhiều nước trên thế giới, Năm mới là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Trước kia, Nhật Bản đón năm mới theo âm lịch giống Việt nam và Trung quốc, nhưng từ hàng trăm năm nay, người Nhật đón năm mới theo Dương lịch. Trong đêm giao thừa, người Nhật ăn món mì trường thọ(toshicoshi soba), vào ngày mùng 1 tháng Giêng, các gia đình sum họp, uống sake, thứ rượu được coi là trường thọ, món ăn osechi cổ truyền và không thể thiếu món bánh dầy ăn cùng với món súp đặc biệt của ngày tết là ozoni(súp).Những ngày trước và sau tết ngưởi ta thường gửi thiếp chúc tết đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Người ta cũng hay đi hái lộc ở các đền chùa để cầu an. Ngừơi Nhật cũng có phong tục chọn phương hướng tốt để xuất hành đầu năm(hatsu moode), phong tục khai bút(kakizome) và phong tục mừng tuổi tiền (o toshi dama) cho trẻ con. Trong những ngay tết, họ trang trí cổng hoặc cửa ra vào bằn tre và cành thông và cái cổng chào này được gọi là kadomatsu.
-Tiết phân(setsubun): Trước đây, từ Setsubun được dùng để chỉ bất cứ sự thay đổi mùa nào theo lịch cũ, nhưng ngày nay nó được dùng riêng cho ngày lập xuân, tức là ngày mùng 3 hoặc ngày mùng 4 tháng 2. Vào ngày này trong những gia đình, người ta tung những hạt đậu(đã được rang khô) ra trước sân hoặc quanh nhà để đuổi ma quỉ và rước phúc lộc vào nhà, vừa tung vừa hát" mà quỉ đi ra, phúc lộc vào nhà".
- Hội Hina( Lễ hội của bé gái hay còn gọi là ngày hội búp bê): Hội này được tổ chức vào mùng 3 tháng 3. Trong ngày này, các gia đình có con gái bày một bộ búp bê(Hinaningyo) tượng trưng cho cung đình xưa và uống một thứ sake trắng ngọt đăc biệt để mừng ngày hội và cầu chúc. Tại các trường học, các bé gái đượctập làm những con búp bê Hina bằng giấy. Do ngày hội đúng vào mùa hoa đào nở, nên người ta còn gọi là Momo no tseku(lễ hội hoa đào).
- Lễ tảo mộ(Higan)
Cũng như người Việt nam, người Nhật rất coi trọng mồ mả tổ tiên. Lễ tảo mộ ở Nhật kéo dài suốt một tuần lễ quanh ngày Xuân phân(khoảng 21/3) và Thu phân(khoảng 23/9). Vào dịp này người ta đi tảo mộ và coi đây là những ngày thờ phụng tổ tiên.
- Ngày trẻ em(Kodomo no hi)
Xuất xứ của ngày hội này là lễ hội của các bé trai, nhưng ngày nay người ta gọi là ngày trẻ em. Lễ hội này được tổ chức vào ngày mùng 5/5 và từ các năm 1948 trở thành ngày nghỉ của cả nước. Vào ngày này, các gia đình có con trai thường treo trước nhà những dải cờ hình cá chép nhiều màu sắc sặc sỡ, gọi là konobori. Theo người Nhật, cá chép tượng trưng cho sức mạnh. Trong ngày hội này người ta ăn một thứ bánh đặc biệt làm từ gạo.
- Lễ hội Tanabata
Xuất xứ của ngày hội này là dựa vào truyền thuyết về tình yêu giữa hai ngôi sao trong giải ngân hà và có nguồn gốc từ trung quốc. theo truyền thuyết này vào ngày 7/7 hai ngôi sao này sẽ gặp nhau nên người ta tổ chức lễ hội vào ngày này. Trong lễ hội này, người ta nhặt nhũng cành tre, trang trí lên đó những mẩu giấy màu sặc sỡ và viết lên những ước mong của mình lên nhũng băng giấy mầu đó và treo lên cành tre.
- Lễ hội Vu lan(Obon): Trước đây ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhưng hiện nay nó được tổ chức vào ngày 17/7 hoặc tháng 8 dương lịch, tuỳ theo từng địa phương. Ngày lễ này gần giống với ngày xá tội vong nhân ở Việt nam, là ngày mà theo người Nhật là rước linh hồn tổ tiên về cúng giỗ. Nhiều nơi tổ chức vũ hội, múa các điệu múa cổ truyền(Bonodori). Vào thời gian lễ hội người ta treo cao những chiếc đèn lồng với mục đích là để hướng dẫn linh hồn người đã khuất trở về. Tại nhiều vùng, các đèn lồng được thả trôi trên sông. Vào dịp này, nhiều người Nhật làm việc ở xa quê hương về thăm quê hương, đi thăm mộ người thân.
- Lễ hội nông nghiệp: Từ ngày xưa, các lễ hội nông nghiệp ở Nhật thường được tổ chức ở các vùng, với mục đích là cầu khấn cho một vụ mùa bội thu, hoặc để cảm ơn thần linh đã cho một mùa màng thắng lợi và đồng thời cầu khấn một vụ bội thu trong năm tới. Vào mùa thu, lễ hội mùa gặt được tổ chức và người ta dâng lên cúng thần thành quả đầu tiên của đồng ruộng. Khi có lễ hội, cả làng tham gia và ở nhiều nơi người ta tổ chức các xe diễu hành mang hình tượng của các vị thần đi qua các phố xá. Tại cung điện của Thiên Hoàng, đích thân nhà vua đóng vai người dâng những nông sản mới thu hoạch cho thần linh.
- Lễ Hội mùa hạ được tổ chức với mục đích ngăn ngừa bệnh tật. Loại lễ hội này hiện nay vẫn được tổ chức đều đặn, và trong lễ hội, người ta tổ chức các thuyền diễu hành trang hoàng rực rỡ đi dọc theo các con sông, tiếp sau là những đoàn thuyền hộ tống. Một trong những lễ hội mùa hạ lớn nhất ở Nhật và hấp dẫn khách du lịch hàng năm là lễ hội Nebuta được tổ chức vào tháng 8 ở Aomori.
Một số lưu ý ở nơi công cộng và khi giao tiếp với người Nhật
- Người Nhật luôn đặt tiêu chuẩn vệ sinh ở hàng đầu, ngay khu phố rất đông đúc, nhiều người qua lại nhưng đường phố rất tinh tươm, sạch sẽ. Được như vậy chính là nhờ ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng rất cao của người Nhật. Tuyệt đối không nên vứt rác, thuốc lá .v.v. xuống đường mà nên cho vào thùng rác.
- Du khách nước ngoài thường rất ngạc nhiên khi thấy trên đường phố, rất nhiều nơi người Nhật tập trung rất đông và xếp hàng ngay ngắn và chờ đợi .Tìm hiểu thì biết rằng họ xếp hàng để chờ đền đến lượt vào siêu thị, rạp phim, khu du lịch, Casino center .v.v. Người Nhật nổi tiếng thế giới về văn hóa xếp hàng. Họ xếp hàng ở mọi nơi, Quý khách sẽ không bao giờ thấy cảnh chen lấn nhau trên đất nước này. Tại nơi công cộng chúng ta phải chú ý trật tự, vào một nơi nào đó phải xếp hàng nếu không sẽ bị nhắc nhở. Đi bộ bên lề đường đi về bên trái, lên cầu thang cuốn phải đứng về phía trái (bên phải dành cho người đang vội).
Địa chỉ đại sứ quán Việt Nam tại Nhật:
**Đại sứ quán VN tại Tokyo:
50-11, Motoyoyogi-cho, shibuya-ku, Tokyo 151-0062
Tel: 03-3466-3311/13/14. Fax:03-3466-3312/91
Giờ làm việc 10:00 – 12:00 / 14:00 – 17:00 nghỉ thứ bẩy, Chủ nhật, ngày lễ VN và Nhật.
**Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka:
Estate Bakurocho Building 10F, 1-4-10 Bakurocho Chuo-ku, Osaka 541
Tel: 263 1645 - 263 1600/ Fax: 263 1770 - 263 1805
Giờ làm việc 10:00 – 12:00 / 14:00 – 17:00 nghỉ thứ bẩy, Chủ nhật, ngày lễ VN và Nhật.