Gọi tên hùng quan nổi tiếng nơi địa đầu Tổ quốc, Hà Giang
Hà Giang là nơi địa đầu Tổ Quốc, trái tim vùng Đông Bắc và là giấc mơ chinh phục của biết bao phượt thủ bởi những hùng quan nổi tiếng. Du lịch Hà Giang thu hút nhất vào tháng 10 - 11, khi hoa tam giác mạch nở rộ khắp vùng, trải dài khắp các sườn đồi, chân núi như một thảm tím trải rộng, vô cùng lãng mạn và nên thơ.
Với vẻ đẹp hùng vĩ của mảnh đất án ngữ nơi địa đầu Tổ quốc, du lịch Hà Giang luôn có một sức hút lạ lùng mà không đâu có được. Hà Giang có tới 11 hùng quan và nổi bật trong số đó là “tứ đại kỳ quan”: Cao nguyên đá Đồng Văn, Dinh thự họ Vương, Cột cờ Lũng Cú và Con đường Hạnh Phúc.
Cao nguyên đá Đồng Văn – Huyền bí một màu đá xám
Trong số những hùng quan nơi địa đầu Tổ quốc, đứng đầu là cao nguyên đá Đồng Văn, một vùng đất với khung cảnh tràn đầy đá xám, nơi người dân “sống trong đá, chết vùi trong đá” cực kỳ đặc biệt của Hà Giang. Năm 2010, Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO đã công nhận là Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu.Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển với 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm. Các khối đá nơi đây có nhiều hình thù ngộ nghĩnh, nào là tựa như quyển sách, nào là những bãi đá mang hình thù của hàng trăm con hải cẩu… Ở các bản Sà Phìn, Sảng Tủng lại có những ngọn núi dạng kim tự tháp hiên ngang. Lên đến Khâu Vai, Mèo Vạc sẽ gặp những phiến đá nở hoa muôn hình vạn vẻ.
Dinh thự họ Vương - Viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá
Nằm cách thị trấn Đồng Văn 15km, Dinh thự họ Vương được ví như viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá và là hùng quan thứ 2 của Hà Giang. Dinh thự họ Vương là một trong số rất ít các dinh thự ở Việt Nam có đầy đủ các chức năng như ở, làm việc và là pháo đài quân sự phòng thủ. Tuy nhiên nó không hề to lớn, hoành tráng như nhiều người tưởng tượng, thậm chí ở góc độ nào đó nó giản dị gần với kiến trúc dân gian.Dinh thự họ Vương được xây dựng trên khu đất được chọn kỹ lưỡng về mặt phong thủy. Kiến trúc vừa mang dáng dấp phương Bắc, vừa mang bản sắc cổ truyền của dân tộc H’mông, lại như một pháo đài. Dinh thự hình chữ Vương xinh đẹp này được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo đó là một câu chuyện lịch sử vô cùng hấp dẫn.
Cột cờ Lũng Cú - Dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc
Hùng quan thứ 3 được coi là “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc Việt Nam”, Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Long Sơn có độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam. Nơi đây chính là điểm du lịch Hà Giang mà bất kỳ ai là con lạc cháu hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng.Trên con đường 1.5km dẫn lên cột cờ, vừa phải chinh phục 389 bậc đá, vừa leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc để rồi vỡ òa trong sự ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên ngoạn mục, toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp như một kiệt tác của tạo hóa, những bàng làng mộc mạc như ẩn như hiện. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng. Phía xa Hải Cẩu Hoàn cong cong hình chữ M lấp ló dưới màn sương trắng và những ruộng bậc thang uốn lượn để đến nơi có lá cờ đỏ sao vàng với diện tích 54m², ẩn dụ của 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió.
Con đường Hạnh Phúc - Con đường của máu và hoa
Hùng quan thứ tư là “Con đường Hạnh Phúc” – con đường của máu và hoa dài gần 200km nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn, được thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong bắt đầu khởi công từ ngày 10/9/1959.Trên đoạn đường này Mã Pí Lèng là nơi hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm Thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng centimet.Giờ đây, từ thành phố Hà Giang vào Mèo Vạc, qua những thị trấn huyện lỵ dọc tuyến đường có thể hình dung rõ nhất những gì mà cung đường Hạnh Phúc đã mang lại. Những địa danh thiêng liêng, những kỳ quan danh thắng, những di tích lịch sử văn hóa, những vẻ đẹp riêng có của cuộc sống trên cao nguyên đá… tất cả đã được con đường “đánh thức”.