Gọi tên những món bánh truyền thống của Việt Nam
Thanh xuân của bạn đã được thưởng thức tất cả những món bánh truyền thống của Việt Nam chưa? Nếu chưa hãy tham khảo những món bánh được giới thiệu dưới đây để thưởng thức và cảm nhận hương vị bạn nhé.
Bánh chưng – Bánh tét
Ảnh: "Zing"Đây là hai loại bánh đặc biệt xuất hiện trong dịp Tết cổ truyền, đại diện cho hai miền Nam - Bắc. Với những nguyên liệu giống nhau: Nếp, thịt ba rọi, đậu xanh, chuối,...hương vị của bánh chưng - bánh tét khá tương đồng nhau. Phía trong lớp nếp dẻo có nhiều loại nhân khau: Nhân thịt ba rọi, nhân đậu, nhân chuối,...Bánh chưng hình vuông vức được gói bằng lá dong và bánh tét thì hình trụ dài và gói bằng lá chuối tươi.
Bánh cốm
Là một trong các loại bánh đặc sản Việt Nam có nguồn gốc từ Hà Nội, bánh cốm cổ truyền chính là món bánh thơm ngon không ai là không biết đến. Bánh cốm Hà Nội được làm từ những hạt cốm chọn lọc nhất, đều, mịn màng và thơm phức. Nhân được làm từ đậu xanh, dừa nạo, mứt sen hay mứt bí. Bánh cốm đặc sản Hà Nội ngon nhất vào mùa thu chính là mùa cốm thu hoạch nên vẫn giữ lại được gần như toàn bộ tinh túy trong từng hạt. Thật ngon khi bạn thưởng thức món bánh đặc sản này cùng với trà, sẽ cho hương vị rất đặc biệt.
Bánh tẻ
Với thành phần chính là bột gạo tẻ nên bánh tẻ ăn rất ngon và không bị ngán. Bánh có phần nhân thịt và mộc nhĩ đậm đà rất dễ ăn. Đây là món ăn vặt phổ biến ở các làng quê Việt Nam và hiện nay được bán khá nhiều để làm món ăn sáng, món bánh ăn lót dạ khi đói.
Bánh tiêu
Chẳng biết có từ bao giờ nhưng bánh tiêu ngày nay đã trở thành một phần của lịch sử, của văn hóa ẩm thực, từ đầu phố cuối hẻm đều có thể bắt gặp hình ảnh bánh tiêu thơm ngon.
Bánh căn
Bánh căn là món ăn phổ biến tại vùng Nam Trung Bộ. Bánh có thành phần chính là bột gạo. Người chế biến dùng loại khuôn đúc làm từ đất nung, có nhiều lỗ tròn để đặt bánh. Nước chấm ăn kèm thường là nước mắm tỏi, ớt pha loãng hoặc nước cá kho. Ngày nay món bánh này rất phổ biến, được bán tại nhiều nơi khác nhau.
Bánh ít lá gai
Một chiếc bánh ít ngon được đánh giá là phải dẻo nhưng khi ăn thì không bị dính răng, có vị tinh khiết của lá gai, vị dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dầu, vị bùi của đậu hòa quyện mà thành. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng đầy hấp dẫn. Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung.