Hành hương khám phá 6 điểm đến hấp dẫn trong tour Chùa Hương

Cẩm nang du lịch 01/02/2021 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Chùa Hương là cụm di tích bao gồm hệ thống chùa chiền, hang động, mà trong đó Hương Tích chính là chùa động trung tâm. Đi tour Chùa Hương hành hương, du khách sẽ được trải nghiệm đi thuyền trên dòng suối Yến để đến các đền, chùa khác.

Ảnh: Tuấn Tiên
 
Trải nghiệm đi tour Chùa Hương hành hương, điểm đầu tiên bạn sẽ được đặt chân tới là Bến Đục - Bến Yến.

Bến Đục – Suối Yến

Bến Đục – Suối Yến
Ảnh: @hienthanhvt__

Suối Yến là một dòng suối nhỏ bắt nguồn từ chân núi Hương Tích, chảy qua làng Yến Vĩ và qua làng Đục Khê rồi đổ ra sông Đáy. Dòng suối này rất lâu rồi được coi là con đường thủy duy nhất mà những chiếc thuyền nhỏ của người dân nơi đây đón đợi khách thập phương tham gia tour Chùa Hương hành hương và khách vãn cảnh đến với "Nam thiên đệ nhất động" bằng phương tiện đường thủy từ các tỉnh thành phía bắc trẩy hội. Suối Yến mang một vẻ đẹp hiền hoà, buông thả giữa hai triền núi. Ðường suối dài khoảng 3km với khúc thẳng, khúc quanh, cho ta cảm giác như dòng suối này dài vô tận.

Bến Đục bây giờ được thay thế bởi chiếc cầu xây to, rộng do Nhật Bản tài trợ được gọi với tên "cầu Đục Khê", hay những người dân nơi đây quen miệng ngay từ khi cầu mới được xây gọi là cầu Nhật. Cùng với đường thủy, du khách có thể dừng chân lên bờ nghỉ trọ, đi bộ qua bến Đục rồi mới xuống thuyền vào Đền Trình.

Đi tour Chùa Hương phải một lần trải nghiệm ngồi trên thuyền chiếu hoa, nhâm nhi chén rượu mơ, nghe những cô lái đò bến Đục trải lòng, hoặc dạo bước bộ hành qua bến Đục mới “thấm” hết phong vị đặc thù riêng có ở nơi đây.

Đền Trình

Đền Trình
Đền Trình chùa Hương hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, là ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi Ngũ Nhạc, ngay bên bìa phải của dòng Suối Yến cách bến đò khoảng 500m thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích. Đền Trình thờ các vị sơn quân canh rừng núi, giữ cửa chùa, ai vào chùa phải tới đây trình diện trước và là một thủ tục ít ai bỏ qua khi đi tour chùa Hương. Sau khi dâng lễ ở Đền Trình, đò sẽ đưa du khách đi qua cầu Hội và các ngọn núi với tên gọi lạ lẫm như: núi Đổi Chèo, núi Voi Phục, núi Mâm Xôi vào thẳng bến đò Thiên Trù - điểm bắt đầu của hành trình leo núi đến với chùa Thiên Trù.

Chùa Thiên Trù

Chùa Thiên Trù
Ảnh: Tuấn Tiên

Chùa Thiên Trù còn có tên gọi là chùa Trò, chùa Ngoài.Chùa Thiên Trù tọa lạc trên thềm núi Lão được xây dựng từ năm Đinh Hợi (1467) đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận thứ 8. Ngôi chùa uy nghi, tráng lệ như một tòa lâu đài giữa núi rừng Hương Sơn. Trải qua nhiều năm chiến tranh, chùa bị phá hủy vào năm 1945, di tích còn sót lại của chùa chỉ còn tháp Thiên Thủy và tháp Viên Công.

Sau năm 1954 cho tới nay, chùa Thiên Trù được xây dựng và trùng tu nhiều lần thành quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng, đặc biệt là sự cố gắng chăm lo vun đắp của cố Thượng tọa Thích Viên Thành và Đại đức Thích Minh Hiền - người đang giữ vị trí trụ trì Chùa Hương. Chùa Thiên Trù trở thành trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn và là điểm đến yêu thích của nhiều du khách đi tour Chùa Hương.

Động Tiên Sơn

Động Tiên Sơn
Ảnh: @shawolmeu

Đi tour Chùa Hương, sau khi chiêm bái chùa Thiên Trù xong, rẽ phải ngược lên núi Thanh Long, đến lưng chừng núi du khách sẽ nhìn thấy cổng tam quan nổi lên bên sườn núi vút cao như sắp bay lên. Qua cổng vào sâu bên trong là một “toà lâu đài” nho nhỏ tráng lệ dựa vào vách núi, đó là khu chùa động Tiên Sơn. Tuy khá nhỏ nhưng nơi này có địa thế và nhiều nhũ đá tuyệt đẹp, nhiều hình dáng như: bàn tay Phật, ngà voi trắng, trái tim, khánh đá, chiêng đá… khi gõ vào sẽ phát ra những âm thanh du dương như tiếng nhạc.

Động Hương Tích

Động Hương Tích
Ảnh: @chibear264

Được xem là đích đến của nhiều tín đồ hành hương khi đi tour Chùa Hương, động Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động chỉ cách chùa Thiên Trù khoảng hơn 2.000m. Nằm ở độ cao hơn 900m, động Hương Tích như một cái hàm rồng rộng lớn, thênh thang, hun hút. Trong lòng động, nhũ đá trên trần và cả nhũ đá mọc lên từ sàn động đều rất giống với sự vật hiện thực, tưởng như người xưa đã đem những thứ ấy vào đây để thưởng ngoạn, và cất giữ cho muôn đời cho con cháu.

Động Hương tích đã trở thành nơi thờ phật lớn nhất của di tích Chùa Hương. Nói đến Trẩy hội chùa Hương tức là nói đến chùa trong động này. Thế nên, nhiều người hay nói với nhau rằng: đi chùa Hương mà chưa đặt chân vào động Hương Tích thì coi như chưa đi đến nơi. Chùa có nhiều tượng quý. Đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh, tạc vào thời Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ hai (1793).

Tin mới

Tin ngẫu nhiên