Khám phá Lai Châu, nơi cuối trời Tây Bắc
Không nổi tiếng như Sapa, Mộc Châu, Hà Giang đón hàng ngàn khách du lịch mỗi năm. Lai Châu mang trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn của miền sơn cước cuối trời, nơi những dãy núi cao chót vót với điệu múa của đồng bào người Hmong, người Mảng, người Si La…
Mường Than nắng vàng rót mật
Không có những triền núi đầy ruộng như xứ Mù, thung lũng Mường Than vốn được xem là một trong bốn cánh đồng lớn nhất xứ Tây Bắc trong câu nói “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” hút hồn người lữ khách bằng vẻ mênh mang của nắng và gió. Nắng chiều vàng nhuộm hết cả con đường và những mảnh ruộng nhỏ bé xung quanh. Nắng không gắt mà dịu nhẹ, không trắng mà lại vàng, vàng rộm như mật ong.
Sìn Hồ ẩn hiện trong sương
Ảnh: Le Hong HaTrong làn sương mỏng, mảnh đất Sìn Hồ khiến bao du khách phải hoài vấn vương. Bất kỳ ai đến với Sìn Hồ đều cảm thấy như đang lạc vào trong thế giới hư hư thực thực, phong cảch thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa diễm lệ. Ẩn hiện trong những vầng mây là những mái nhà của đồng bào, đèo Làng Mô, Phăng Xô Lin… thấp thoáng bập bùng ánh lửa bình yên.
Kẻng Mỏ nơi sông Đà chảy vào đất Việt
Kẻng Mỏ là nơi có cột mốc biên giới số 17 – đánh dấu điểm đầu tiên của dòng sông Đà trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đây, dòng nước len lỏi qua từng khe núi đá vôi, để hợp lưu với sông Hồng ở Phú Thọ mang bao phù sa, nguồn sống cho hàng triệu đồng bào các dân tộc dọc hai bên. Nơi khởi nguồn của dòng sông là đó, còn nơi tận cùng của Mường Tè là Thu Lũm với Hòn đá thiêng của người Hà Nhì. Hòn đá trắng bằng thạch anh tự nhiên trên ngọn núi đất nhỏ được người Hà Nhì xem là vật linh thiêng và thờ cúng hàng năm.
Du lịch Lai Châu mùa nào đẹp nhất?
Thời gian đi Lai Châu đẹp nhất thường là mùa xuân hoặc mùa thu, mùa hè thì khá nóng và mùa đông giá buốt. Vào mùa xuân hoa mận, đào nở rực khắp các bản làng và nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc cũng thường được tổ chức trong mùa này. Thu về cũng là lúc lúa mùa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang.