Khám phá nét đẹp văn hóa dân tộc quanh nhà Rông Kon Tum

Cẩm nang du lịch 21/10/2020 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Nhà Rông là di sản văn hóa gắn với lịch sử cư trú lâu đời của cư dân các dân tộc bản địa vùng Kon Tum. Nhà Rông Kon Tum vừa là pháo đài phòng thủ của buôn làng, vừa là nơi diễn ra toàn bộ hoạt động sinh hoạt tập thể, gắn kết các thành viên trong cộng đồng.

Ảnh: Thái Bana
 
Nhà Rông Kon Tum được biết đến như “trái tim” của các buôn làng. Nhìn vào nhà Rông, có thể đánh giá được khả năng hội họa và điêu khắc cùng với sự giàu nghèo của buôn làng đó.

Nhà Rông – Biểu tượng văn hóa cộng đồng của dân tộc Tây Nguyên

Nhà Rông – Biểu tượng văn hóa cộng đồng của dân tộc Tây Nguyên
Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên thì nhà Rông luôn là những điều linh thiêng nhất đối với họ, mỗi dân tộc khác nhau thì nhà Rông lại mang một nét kiến trúc khác nhau và có những đặc sắc riêng trong thiết kế của mình.

Năm 1930 căn nhà Rông của dân tộc Ba Na đầu tiên được xây dựng bởi dân làng Kon Rbàng và có kích thước nhỏ hơn bây giờ. Người dân tộc Ba Na quan niệm rằng nếu làng không có nhà Rông thì là làng đàn bà. Nên từ đó bất kể một làng nào được dựng lên ở Kon Tum cũng đều có một ngôi nhà Rông để làm nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

Nhà Rông Kon Tum có vai trò rất quan trọng đối với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Nhà Rông Kon Tum có vai trò rất quan trọng đối với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Ảnh: VnExpress

Nhà Rông Kon Tum là hình ảnh thu nhỏ của các thành tố văn hóa truyền thống của một làng, một tộc người. Nó chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số thì “Dân tộc – Làng – Nhà Rông” là mối quan hệ không thể tách rời, cũng như làng của người Kinh gắn với cây đa, bến nước, sân đình.

Nhà Rông Kon Tum hùng vĩ vươn lên bầu trời với hình dáng như một lưỡi rìu khổng lồ biểu hiện sức mạnh của một cộng đồng làng, thể hiện tinh thần thượng võ, đầy uy quyền, như là chế ngự không gian và thời gian để khẳng định chủ quyền, lãnh địa của làng.

Những nét đặc sắc trong kiến trúc nhà Rông Kon Tum

Những nét đặc sắc trong kiến trúc nhà Rông Kon Tum
Nhà Rông Kon Tum được biết đến như “trái tim” của các buôn làng. Tại Kon Tum, nhà Rông là kiểu nhà sàn đặc trưng, được xây dựng hoàn toàn bằng tranh, tre, nứa, lá với phần mái được lợp bằng cỏ tranh rất dày khoảng 20cm. Nhà Rông Kon Tum thường dài khoảng 10m, rộng hơn 4m, cao 15 - 16m, nhưng có những ngôi chỉ cao 7-8m và thường có sức chứa từ 80-100 người.

Vì mái nhà Rông Kon Tum rất cao và đồ sộ, để chịu được sức nặng này bên trong mái được đan chéo rất nhiều cây gỗ tròn thẳng dài hàng chục mét tạo nên sự vững chải và chắc chắn cho ngôi nhà. Sàn nhà được chống cao hơn mặt đất 2m, phía trước có những dãy cầu thang để lên nhà và các cầu thang này xây dựng theo tín ngưỡng nam tả nữ hữu, thất nam cửu nữ tức cầu thang 7 bậc bên trái dành cho nam và 9 bậc bên phải dành cho nữ. Ngoài ra cầu thang chính giữa dành cho già làng trong các buổi lễ linh thiêng.

Nơi trưng bày các hiện vật quý giá

Nơi trưng bày các hiện vật quý giá
Nhà Rông Kon Tum còn là chỗ trưng bày, lưu giữ những đồ vật linh thiêng và quý giá của dân làng, theo quy định chỉ có những người đàn ông mới được phép ngủ ở nhà Rông. Ngoài kiến trúc và tín ngưỡng, nhà Rông Kon Tum còn gây ấn tượng với du khách tham quan bởi những hoạt động như biểu diễn cồng chiêng, múa xoang hay giã gạo quanh nhà Rông.

Đối với người dân tộc Tây Nguyên, nếu như nam biết đánh đàn, chế tác nhạc cụ, điêu khắc, đan lát thì nữ múa xoang đẹp và giỏi dệt thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm từ trang phục váy, áo, khố đến phụ kiện như túi xách, khăn, ví không chỉ dùng trong sinh hoạt gia đình, mà còn trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch Kon Tum, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn.

Vũ điệu Cồng Chiêng - Di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý hiếm của nhân loại

Vũ điệu Cồng Chiêng - Di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý hiếm của nhân loại
Ảnh: Thái Bana

Du lịch Kon Tum, khám phá văn hóa quanh nhà Rông Kon Tum thì không thể không nhắc đến “Vũ điệu Cồng Chiêng” - những âm vũ làm say lòng người. Cồng chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng rất đa dạng, phong phú. Đặc điểm chung, nổi bật của dàn cồng, chiêng là sự kết hợp linh hoạt những âm thanh cao, thấp, tạo nên sự phối bè khác nhau. Kết hợp với cồng, chiêng có cả trống, lục lạc, chuông đồng... tạo nên sự hoà âm phong phú. Cồng chiêng có khả năng trình diễn độc lập, nhưng cũng có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác, kể cả giọng hát của con người.

Vang mãi Cồng Chiêng đại ngàn

Vang mãi Cồng Chiêng đại ngàn
Ảnh: Thái Bana

Nếu lễ hội dân gian quy tụ được rất nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, trong đó có cồng chiêng thì khi cồng chiêng lên tiếng sẽ thu hút sinh hoạt của nhiều người nhất, nghệ thuật âm nhạc của cồng chiêng cũng chiếm thời lượng nhiều nhất trong lễ hội. Chưa thấy một lễ hội dân gian nào vắng mặt cồng chiêng dù ở quy mô nhỏ như gia đình hoặc lớn hơn là của cả cộng đồng.

Theo tập quán của các dân tộc ít người ở Kon Tum thì đa phần chỉ có đàn ông mới được đánh cồng chiêng, còn phụ nữ thì tham gia thể hiện nghệ thuật múa xoang. Mỗi khi tiếng cồng, chiêng vang lên trong các lễ hội hay sinh hoạt văn hóa, dân làng không phân biệt già trẻ, gái trai cùng nắm tay nhau, chân bước nhịp nhàng cùng điệu xoang, khiến không khí tưng bừng và lôi cuốn du khách.

Hiện nay, những bảo tàng dân tộc ở Việt Nam đều cho xây dựng các mô hình nhà Rông để mọi người dễ dàng tham quan và tìm hiểu. Nhưng chỉ khi du lịch Kon Tum, được tham quan trực tiếp những ngôi nhà Rông của dân tộc Ba Na, bạn mới cảm nhận hết được không gian linh thiêng nơi đây, nhìn ngắm những đồ vật quý giá của buôn làng và hiểu hơn những nét văn hóa dân tộc đặc sắc.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên