Lên Tây Bắc thưởng thức táo mèo, đặc sản của Mù Cang Chải
Nếu cho bạn lựa chọn giữa ngọt ngào và chua chát, bạn sẽ chọn thứ nào? Dĩ nhiên đâu ai lại đi chọn vị chua chát làm gì. Thế mà với người Mông ở Mù Cang Chải, vị chua chát ấy lại được yêu thích như một gia vị không thể thiếu trong những món ăn của họ. Đó chính là vị của táo mèo – đặc sản của Mù Cang Chải.
Nằm trên dãy cao nhất Hoàng Liên Sơn, để đến được Mù Cang Chải (Yên Bái) bạn phải vượt qua Khao Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo cao khó chinh phục nhất Việt Nam. Từ núi đồi khô cằn, tổ tiên của người Mông ở Mù Cang Chải đã tạo ra những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ và đẹp đẽ để canh tác lúa nước. Lúa nước đã thay đổi hoàn toàn đời sống của người dân nơi đây và trở thành kho báu của họ. Ngoài lúa nước còn có một loại quả rất đặc biệt - táo mèo, loại quả đã giúp cho cuộc sống của người dân ở Mù Cang Chải thay da đổi thịt và trở thành kho báu thứ 2 của họ.
Táo mèo gắn bó mật thiết với người Mông Mù Cang Chải
Cuộc sống gắn bó mật thiết với núi rừng nên đối với người Mông rừng cây cũng chính là ngôi nhà khổng lồ, nơi họ không chỉ khai thác, hái lượm mà mỗi ngày họ vẫn đang tiếp tục trồng, vun bón nên những mầm cây mới. Những vườn cây ở ngay sát bên nhà, hoặc đôi khi có những khu vườn đặc biệt lại ở rất xa nơi người ở. Vốn là một cây hoang dại trên núi, trái táo mèo ở đây thường chỉ dùng làm thức ăn cho trâu bò. Nay trái táo mèo còn được biết đến như một loại đặc sản của núi rừng Tây Bắc nên những năm gần đây người dân trên Mù Cang Chải nhân rộng diện tích trồng táo mèo trên nhiều quả đồi, ngọn núi.
Nơi cùng các em nhỏ vùng cao tạo ra những ký ức đẹp
Tuy nhiên thi thoảng bạn vẫn có thể nhìn thấy loài cây này tại các bản làng dưới thấp, bởi nhiều táo mèo đã tự mọc quanh nhà. Còn nhiều cây táo mèo được người dân trồng để lấy bóng mát hoặc làm chỗ vui chơi cho con trẻ. Từ đó bất kỳ những mầm non nào của bản làng cũng sẽ nếm qua được vị chua, vị chát, vị ngọt thanh vốn có của núi rừng.
Kho báu thứ 2 của Mù Cang Chải
Sinh ra từ rừng núi, lớn lê hồn nhiên như cây cỏ, người Mông ở Mù Cang Chải sống đơn giản như chính cách họ đang tự do tận hưởng cuộc sống hoang dã với thiên nhiên của mình. Giống như tính cách của người Mông, những cây táo mèo nơi đây cũng có sức sống mãnh liệt như vậy và trở thành kho báu quý giá núi rừng Tây Bắc, của Mù Cang Chải.Táo mèo là loại cây “sợ” hơi người, nếu trồng gần nhà thì cây sẽ còi cọc, không phát triển nên người dân nơi đây thường trồng táo mèo ở rất xa nhà, quả cho ra rất đẹp. Táo mèo khá dễ trồng, chỉ cần đem cây cán ở nơi cao, mát mẻ, chúng sẽ tự ăn phân từ lá cây rừng, uống nước sương mà không phải bón phân, phun thuốc gì cả. “Rừng sẽ tự nuôi táo mèo” – đây là câu nói quen thuộc của người Mông khi được hỏi về “Táo mèo có khó trồng không?”. Mặc dù hoang dã là thế, nhưng chính cây táo mèo ngày nay đã góp phần giúp cải thiện đời sống của người dân nơi đây khi chúng được đưa chế biến thành một loại nước uống rất ngon với tên gọi MuKacha và tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn khác.
Khúc biến tấu ẩm thực táo mèo
Trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 10, khi lúa ngô đầy nhà, cá trong ao cũng đến độ cất lưới, những trái táo mèo trên rừng đã xanh ươm thì cũng là dịp căn bếp của các bà, các mẹ của người Mông trở thành “sân khấu” của những món ăn cầu kỳ và công phu.
Cá kho táo mèo
Cá kho táo mèo là món ngon theo mùa dùng để đãi khách hoặc để cải thiện bữa cơm gia đình. Những trái táo mèo xanh được hái về gọt vỏ và ngâm trong nước muối loãng cho khỏi thâm sau đó được nấu cùng sả, mắc khén, hạt dổi. Khi kho cùng với cá, táo mèo không còn vị chua chát, lại khử được mùi tanh của cá và rất tốt cho sức khỏe.
Canh đậu hủ nấu táo mèo
Người Mông còn tận dụng vị chua của loại quả này chế biến thành món canh đậu hủ vô cùng độc đáo. Đậu tương xoay nhuyễn đem nấu cho đến khi sôi liu riu, thả vào một chút rau cải mèo thái sợi. táo mèo xanh được đạp nát, ngâm trong nước sôi cho ra nước cốt chua chua. Nước cốt táo mèo này khi ngâm vào nôi canh đậu sẽ khiến nước dần trong lại và cho ra vị ngọt rất thanh.