Liên kết phát triển giúp phục hồi nhanh chóng Du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 30-31/10/2021 đã diễn ra sự kiện Liên kết phát triển Du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bến Tre, Long An. Đây là chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Liên kết phát triển Du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chương trình có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cùng các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, một số tỉnh, thành phố đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Nhiều địa phương triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải dần khôi phục trở lại ngay trong tháng 10/2021. Ngành Du lịch cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng cũng đã nhanh chóng triển khai các chương trình xúc tiến phát triển du lịch liên vùng, để kịp thời vực dậy ngành du lịch trong nước, tạo đà cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm giáp ranh TP.HCM, ĐBSCL có nhiều ưu thế trong việc tiếp cận nguồn khách đa dạng khi khu vực tập trung nhiều cửa ngõ giao thông lớn của cả nước.
Không chỉ sở hữu các điểm đến có thể tiếp cận thuận tiện bằng đường bộ từ TP.Hồ Chí Minh thông qua các tuyến cao tốc đang được triển khai như đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, và ở giai đoạn sau sẽ kết nối đến Cần Thơ, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến Cần Thơ chỉ còn hai giờ. Về đường bay, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đón hơn 7,7 triệu lượt khách quốc tế đến (2019), đây cũng là một nguồn khách tiềm năng cho khu vực ĐBSCL. Bên cạnh 10 đường bay nội địa, sân bay quốc tế Cần Thơ còn phục vụ 4 đường bay quốc tế kết nối trực tiếp với các cửa ngõ giao thông của khu vực gồm Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc.
Vì vậy, việc triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông sẽ giúp khu vực ĐBSCL mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách nội địa và quốc tế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Khi phát triển liên kết vùng giữa các tỉnh, thành với TP.Hồ Chí Minh, các địa phương sẽ có sự hỗ trợ trong việc khai thác và đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.
Quang cảnh mát mẻ, thanh bình, ẩm thực dân dã, vườn trái cây sum sê trĩu quả …
tạo nên nét đặc trưng vùng ĐBSCL (Ảnh: Vietravel)
Tiến xa hơn nữa, bằng cách xây dựng và nâng cao khả năng hợp tác và liên kết giữa các công ty lữ hành, các đơn vị cung ứng dịch vụ nhà hàng-khách sạn và các hoạt động giải trí trên sông như Yatch, Cruise ship, từ đó xây dựng hình ảnh và tăng cường các hoạt động truyền thông; sẽ giúp kết nối các điểm tham quan trong khu vực không chỉ đơn thuần là điểm đến đơn lẻ mà là một phần của hành trình khám phá vùng đất phía Nam cho du khách trong và ngoài nước khi du lịch hồi phục hoàn toàn.
Du khách tham quan Chợ Nổi Cái Răng (Ảnh Vietravel)
Về sản phẩm du lịch, vốn là khu vực trù phú, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và được xác định là một trong bảy phân vùng du lịch của cả nước với văn hóa đặc trưng vùng sông nước phương Nam, quang cảnh mát mẻ, thanh bình, ẩm thực dân dã, vườn trái cây sum sê trỉu quả …nên vùng ĐBSCL luôn là một trong những thị trường du lịch đứng “top” đầu, thu hút đông đảo du khách. Tại Vietravel, không chỉ khách miền Nam mà du khách từ miền Bắc, miền Trung hay Việt Kiều đều rất yêu thích điểm đến này. Giai đoạn trước dịch, Vietravel xây dựng đa dạng sản phẩm tour miền Tây, lịch trình từ 1 ngày đến 4 ngày, với thời gian khởi hành đều đặn các ngày trong tuần, phục vụ khoảng 35.000 khách mỗi năm.
Trở lại sau giai đoạn dịch lần thứ 4, Công ty chuẩn bị loạt các sản phẩm hướng tới thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng TP.HCM cùng ĐBSCL dự kiến qua các hành trình: TP.HCM - Khu du lịch Xẻo Quýt - Sắc màu Làng hoa kiểng Tân Quy Đông (1 ngày); TP.HCM - Long An - Khám Phá Con Đường Xuyên Rừng Tràm Tân Lập (1 ngày); TP.HCM - Cần Giờ - Bến Tre (3 ngày); TP.HCM - Củ Chi - Long An, Long An - Đồng Tháp - Bến Tre (3 ngày)... giá trọn gói chỉ từ 790.000đ/khách. Song song đó là loạt các sản phẩm Miền Tây truyền thống như: Mỹ Tho - Thới Sơn - Bến Tre (1 ngày); Mỹ Tho - Thới Sơn - Bến Tre - Cần Thơ (2 ngày); Vĩnh Long - Trải nghiệm Homestay Út Trinh - Làng Gốm Mang Thít (2 ngày); Tiền Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau - Đất Mũi (4 ngày); Năm Căn - Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Bạc Liêu (4 ngày); Châu Đốc - Rừng Tràm Trà Sư - Hà Tiên - Rạch Giá - Cần Thơ (4 ngày), có giá từ 499.000đ- 3.990.000đ/khách.
Du khách có thể trải nghiệm học làm bánh cùng người dân địa phương (Ảnh Vietravel)
Có thể nói, từ tháng 11/2021 trở đi, du khách Việt Nam có “thẻ xanh Covid” sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi đi du lịch trong nước. Hiện đa số các tỉnh, thành đều đang thống nhất phương án mở cửa đồng loạt, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn. Trong tình hình mới, tất cả các nhân sự phục vụ trong ngành du lịch từ đơn vị lữ hành đến đơn vị cung ứng dịch vụ và du khách đều phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, và tuân thủ nguyên tắc 5K khi phục vụ hay tham gia tour.