Loạt bánh gói lá đặc sản của Việt Nam lạ miệng, thơm ngon

Cẩm nang du lịch 14/12/2020 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Bánh lá dừa, bánh chưng gù, bánh nậm và trứng kiến là những loại bánh gói lá đặc sản của Việt Nam. Vì có ngoại hình khá giống nhau nên nhiều người vẫn thường hay gọi nhầm tên của chúng. Tuy nhiên, mỗi loại bánh lại mang một hương vị đặc trưng riêng khiến nhiều người ăn mê mẩn.

 

Bánh trứng kiến, Cao Bằng

Bánh trứng kiến, Cao Bằng
Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày ở Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng. Miếng bánh béo ngậy thơm mùi nếp nương, mùi lá vả và đặc biệt là phần nhân làm từ thịt lợn ngon và trứng kiến non tròn mẩy hòa quyện lại với nhau làm nên một món ăn “quyến rũ” lòng người không chỉ về hình thức mà cả hương vị của nó.

Bánh chưng gù, Hà Giang

Bánh chưng gù, Hà Giang
Bánh chưng gù là một đặc sản của người Tày, được coi là “chưa ăn thì chưa phải tới Hà Giang.” Cũng như người Kinh, loại bánh này trước đây là món ăn truyền thống vào dịp Tết. Tuy nhiên, đến nay đã được gói quanh năm để bán như một thứ quà cho khách du lịch.

Bánh chưng gù về cơ bản chỉ có cách gói và nấu giống bánh chưng vuông, còn tạo hình và nguyên liệu có nhiều nét khác biệt. Gạo để gói bánh là gạo nếp nương hạt tròn mẩy, được ngâm với nước lá nghệ để có màu xanh đặc trưng. Đậu xanh hạt nhỏ ngâm nước cho nở ra, đãi vỏ thật sạch. Thịt lợn được chọn làm nhân bánh phải là thịt lợn đen địa phương đem ướp với tiêu xay và những gia vị truyền thống đặc trưng của người Tày. Đặc biệt là lá dong được trồng tại rừng nên khi luộc xong bánh có mùi thơm rất đặc trưng của vùng núi, mở ra thấy miếng bánh xanh mướt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được hết hương vị của thịt lợn ướp thơm, đậu xanh nấu nhừ hòa quyện với gạo nếp nương dẻo bùi.

Bánh nậm, Huế

Bánh nậm, Huế
Bánh nậm là đặc sản trứ danh của xứ Huế. Hầu như trong mọi trường hợp, dù là ngày lễ hay ngày thường thì món bánh này cũng được mọi người ưa chuộng. Phần bột bánh nậm có phần phức tạp hơn bánh bột lọc, nguyên liệu chính để làm vỏ bánh là bột gạo được trộn thêm một ít bột năng, gia vị, dầu ăn và đun trên bếp – tương tự như cánh làm vỏ bánh bột lọc. Trong quá trình nấu bột, người làm bánh luôn phải khuấy thật đều tay để bột bánh không bị vón cục hoặc đọng ở đáy nồi. Nhân bánh nậm được làm từ hai nguyên liệu chính là tôm và thịt, thế nhưng với loại bánh nậm được dùng để làm đồ cúng lễ thì nhân tôm thịt sẽ được thay bằng nhân đậu xanh – dù vậy loại nhân này cũng có một hương vị rất độc đáo.

Bánh lá dừa, Bến Tre

Bánh lá dừa, Bến Tre
Bánh dừa là loại bánh cổ truyền ở Bến Tre. Nguyên liệu làm bánh gồm có bột nếp, chuối hoặc đậu xanh, đậu đen, cùi dừa, gia vị. Tuy nguyên liệu đơn giản là vậy nhưng quá trình làm bánh lại khá kỳ công và mất thời gian. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo của nếp, vị bùi của đậu, ngọt thơm của chuối, dịu nhẹ của lá dừa quyện vào vị béo nước cốt dừa đã tạo nên hương vị đặc trưng của bánh lá dừa, đặc sản quê hương Bến Tre, ai đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên