Mâm cơm ngày Tết của người miền Nam có gì?
Mâm cơm ngày Tết của người miền Nam khá phong phú và ít chịu gò bó về nghi thức cổ truyền. Tuy nhiên, dù có phóng khoáng, hào sản thế nào đi nữa thì trong bữa cơm đoàn viên của họ vẫn không thể thiếu thịt kho hột vịt, canh khổ qua dồn thịt.
Nam Bộ là vùng đất có sự du nhập và pha trộn nhiều, thế nên nền ẩm thực ở đây vô cùng phong phú. Để biết thêm trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam có gì ngoài 2 món nêu trên thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Thịt kho hột vịt
Ảnh: @cookingoffthecuffNhư đã đề cập bên trên, thịt kho hột vịt là một trong những món ăn không thể nào thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam. Đây được coi là món ăn truyền thống số 1 của người Nam Bộ mang ý nghĩa đoàn viên. Món ăn này đặc biệt ở chỗ sử dụng nước dừa để kho tạo nên hương vị rất đặc trưng. Để có món thịt kho hột vịt ngon, người miền Nam thường chọn thịt ba chỉ để thịt mềm béo tự nhiên. Vì dùng nước dừa để kho nên khi sắc xuống nước thịt kho có màu cánh gián rất đẹp, vị ngọt tự nhiên chấm rau rất “bắt”.
Canh khổ qua dồn thịt
Ảnh: @rasianbran Ở miền Nam, canh khổ qua dồn thịt không chỉ là món ăn giải ngán, giải nhiệt mà còn là món ăn có ý nghĩa rất quan trọng trong mâm cơm chiều 30 Tết – cầu mong khó khăn đi qua để đón điều thuận lợi may mắn và tươi sáng cho một năm mới đến. Do đó, khổ qua dồn thịt cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam. Những trái khổ qua cắt khúc, làm sạch phần ruột sẽ được dồn hỗn hợp nhân gồm thịt băm (hoặc chả cá), nấm mộc nhĩ, bún tàu,… nêm nếm gia vị vừa ăn rồi đem hầm cho đến khi mềm, nước ngả màu hơi vàng. Món ăn này tuy có vị hơi đắng một chút nhưng lại có công dụng rất tốt cho sức khỏe.
Chả giò
Ảnh: @rasianbran Những chiếc chả giò với nhân thịt, rau củ, phần vỏ vàng giòn rụm không chỉ xuất hiện trên các bàn tiệc, chả giò còn là món ăn yêu thích và xuất hiện rất phổ biến trên mâm cơm ngày Tết của người miền Nam. Là vùng đất có nhiều loai cây ăn trái, người miền Nam còn biến tấu nên món chả giò trái cây độc đáo khiến ai thưởng thức cũng phải tấm tắc khen ngon.
Lạp xưởng
Với hương vị thơm ngon, đậm đà lại chế biến rất nhanh vì thế lạp xưởng trở thành một món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam. Lạp xưởng có hai loại đó là lạp xưởng tươi và lạp xưởng khô, mỗi loại đều có hương vị khác nhau có thể đem chiên, nướng, luộc vừa dễ ăn lại nhiều chất dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng.
Gỏi gà xé phay
Ảnh: @bubufoodshowChế biến nhanh, thịt gà luộc dai ngon kết hợp vị chua thanh dịu mát đến từ các gia giảm của gỏi làm giảm cảm giác ngao ngán, món gỏi gà xé phay vì thế mà thường xuyên có mặt trong các mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Đây cũng là món ăn được ưa chuộng nhất trong các bữa tiệc ở vùng Tây Nam Bộ.
Dưa kiệu
Dưa kiệu là món ăn không thể thiếu trong tất cả các bữa ăn ngày Tết của người miền Nam. Bởi vị chua cùng vị giòn, dai, hăng, mặn, ngọt của củ kiệu giúp cho các món ăn chính đỡ ngán hơn. Ngoài dưa kiệu, dưa cải muối chua cũng được dùng nhiều trong các mâm cơm ngày Tết ở miền Nam.
Bánh tét
Ảnh: @choueatgoloveNếu bánh chưng là món đặc trưng không thể thiếu của ngày Tết miền Bắc thì ở miền Nam, bánh tét cũng chính là món ngon không thể vắng bóng trong mâm cỗ. Những đòn bánh tét tròn, chắc nịch được tạo ra từ các lúa nếp cùng các nguyên liệu do người dân trồng hiện diện trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam không chỉ mang ý nghĩa cảm ơn thần nông đã phù hộ cho bà con có mùa màng bội thu, mà còn tượng trưng cho sự ấm no đầy đủ của gia chủ.