Mùa nước nổi về trên chợ nổi Cái Răng và Làng nổi Tân Lập

Cẩm nang du lịch 12/08/2020 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Mỗi độ tháng 8 đi qua, con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về cũng là lúc các tỉnh miền Tây trở nên đẹp lạ thường. Nơi đây như được thay một màu áo mới, óng ánh sắc vàng phản chiếu lên “chiếc gương trời khổng lồ” được tạo ra từ nước. Đến miền Tây mùa nước nổi, bạn hãy ghé qua Làng nổi Tân Lập và chợ nổi Cái Răng để được hòa mình vào nét văn hóa độc đáo mà chỉ có ở vùng sông nước mới có được nhé.

 

Chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp hơn khi con nước về

Chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp hơn khi con nước về
Dường như, chợ nổi Cái Răng vào mùa nước nổi ẩn giấu một vẻ đẹp tươi tắn hơn, nhộn nhịp hơn khi tấp nập những chuyến tàu ngược xuôi theo con nước. Các ghe, xuồng đổ về đây cũng phong phú các sản vật, các loại hàng hóa hơn so với những thời điểm khác trong năm.

Đối với những người mua bán lênh đênh sông nước miền Tây, trên chợ nổi Cái Răng, chiếc ghe không chỉ là cửa hàng mà còn là ngôi nhà di động của họ, mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Thế nên chợ nổi không chỉ đơn giản là chợ mà còn là nhà, không chỉ là văn hóa chợ mà còn là nét sinh hoạt của bà con miệt sông nước miền Tây.

Khi mặt trời còn chưa ló dạng, những chiếc ghe chở đầy ắp các món hàng hóa di chuyển ra chợ nổi Cái Răng với cây bẹo treo đầy các loại rau củ nào là khoai lang, bí, bầu, khổ qua, củ sắn… đến những chiếc xuồng con bán chè, bánh… tấp tập trên cả một khúc sông dài gần 1km. Những chiếc ghe lỉnh khỉnh đồ ăn, vật dụng nấu nướng ngược xuôi chào mời mỗi khi thấy một đoàn khách đi qua. Bạn chỉ cần ngồi yên và gọi bất kỳ một chiếc ghe nào đấy là có thể thưởng thức bữa ăn sáng đậm đà hương vị sông nước miền Tây. Giữa mênh mông sông nước, húp nhanh tô hủ tiếu, bún riêu cua nóng hổi hay miếng bánh lá dừa ngọt bùi cùng ly cà phê đắng sẽ là một bữa sáng với những hương vị khiến bạn khó quên.

Làng nổi Tân Lập trở nên thơ mộng dưới những cánh hoa sen, hoa súng

Làng nổi Tân Lập trở nên thơ mộng dưới những cánh hoa sen, hoa súng
Làng nổi Tân Lập là một vùng nhỏ bé nằm sâu bên trong lòng Đồng Tháp Mười, nơi chủ yếu là vùng rừng ngập nước với hệ sinh thái mang đậm vẻ đặc trưng của Đông Nam Bộ. Tràm, sen, súng, lục bình cùng với hệ động vật cò, cá phong phú đã tạo nên cho làng nổi Tân Lập một mảng màu sắc riêng. Khi mùa nước lũ về vạn vật thiên nhiên ở đây sinh sôi nảy nở, được “thổi hồn” bằng một sức sống căng tràn và tươi mới. Rừng tràm bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn và vẻ u tịch, hoang sơ. Ngồi trên những chiếc xuồng ba lá thả mình vào khung cảnh trong lành của làng nổi Tân Lập, bạn sẽ được ngắm nhìn những thảm bèo xanh biếc, xung quanh là những bông súng đang cố vươn mình trên mặt nước, những thảm rêu hững hờ trôi, đâu đó là tiếng của những chú chim đang ríu tít gọi nhau, cùng với tiếng nước gõ mạn thuyền… tất cả làm cho cảnh vật ở làng nổi Tân Lập mùa nước nổi trở nên yên bình và tinh khôi đến lạ.

Búng Bình Thiên rộn ràng mùa lễ hội

Búng Bình Thiên rộn ràng mùa lễ hội
Mùa nước nổi An Giang không chỉ có Rừng tràm Trà Sư là thu hút khách du lịch mà mảnh đất này còn có một Búng Bình Thiên đẹp mê hồn. Búng Bình Thiên bao gồm 2 hồ nước đó là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Khi con nước về làm 2 hồ nước này hòa vào làm một, chìm ngập trong biển nước mênh mông. Búng Bình Thiên sở hữu những đặc trưng khác với nhiều hồ nước thông thường. Hồ nước trong vắt quanh năm, chỉ dâng lên và hạ xuống chứ không chảy. Vào mùa nước nổi, khắp hồ phủ kín sen, súng, lục bình hòa cùng những chiếc nhà bè nuôi cá tạo nên một bức tranh nên thơ, tràn đầy sức sống.

Vào cuối tháng 8, nơi này lại diễn ra lễ hội Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi. Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc không chỉ của người dân vùng đầu nguồn An Phú, mà còn là sản phẩm độc đáo của du lịch An Giang. Ban ngày thì diễn ra rất nhiều trò chơi như đua thuyền, bơi lội, chống xuồng đua, nơm cá… Về đêm, ở trên mặt hồ sẽ diễn ra hoạt động văn nghệ tại một sân khấu nổi mang đậm chất dân gian.

Đầm Thị Tường mênh mang biển nước

Đầm Thị Tường mênh mang biển nước
Đầm Thị Tường Cà Mau được mệnh danh là biển hồ giữa đồng bằng bởi hồ có diện tích vô cùng rộng lớn. Khung cảnh đầm Thị Tường không chỉ có nước mà còn có những căn nhà chòi mái lá đơn sơ nằm thưa thớt trên mặt hồ. Những căn chòi mái lá đơn sơ này chính là nơi sinh sống của nhiều thế hệ ngư dân đánh bắt và nuôi trồng hải sản trên đầm. Sự xuất hiện của những căn chòi lá này khiến khung cảnh đầm không đơn điệu một màu nước mà trở nên vô cùng sinh động với hình ảnh những ngư dân đánh cá bên chòi. Đầm Thị Tường đẹp nhất, lãng mạn nhất là vào lúc sáng sớm, khi bình minh bắt đầu ló rạng. Lúc này, cả mặt nước, bầu trời và không gian đầm được phủ 1 màu vàng huyền ảo. Khung cảnh đầm Thị Tường mùa nước nổi càng trở nên thơ mộng mê người hơn khi những người ngư dân bắt đầu thức dậy vác chài, vác lưới đi đánh cá. Không khí tĩnh lặng của màn đêm được thay thế bằng tiếng nói, tiếng cười đùa vui vẻ của những ngư dân khi họ bắt được cá lớn, đứng trước khung cảnh ấy bỗng chốc người ta thấy mình như nhỏ bé lại.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên