Nhà cổ Bình Thủy – Nhà cổ đẹp nhất Cần Thơ

Cẩm nang du lịch 25/06/2020 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Nhà cổ Bình Thủy được đánh giá là nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô (Cần Thơ) đã có trên 100 năm tuổi. Nơi đây từng được dùng làm bối cảnh của nhiều phim nổi tiếng như Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời, Người tình (The lover) của đạo diễn gạo cội người Pháp Jean Jacques Annaud.

Ảnh: @ngoquyen_streetlife

Đôi nét về nhà cổ Bình Thủy

Đôi nét về nhà cổ Bình Thủy
Tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy), nhà cổ Bình Thủy là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu, khảo cổ học tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hoá cũng như quá trình phát triển của nét văn hóa dưới sự tồn tại qua 2 thời kỳ. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương, là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây nên tạo cho nơi đây vẻ đẹp hiện đại, nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhà cổ cuốn hút ngay từ lối vào

Nhà cổ cuốn hút ngay từ lối vào
Ảnh: @mstunbirex.nguyen, @ngoquyen_streetlife, @mstunbirex.nguyen

Từ ngoài cổng vào là dãy rào cổng được thiết kế với hàng rào sắt chắn ngang có các cột bê tông làm trụ chính. Vào bên trong là cổng tam quan được xây dựng theo lối kiến trúc người Hoa. Cổng tam quan chếch về hướng bên phải có 4 cột trụ lớn với 2 trụ xi măng và 2 trụ gỗ. Hệ thống xà của cổng tam quan được làm bằng gỗ, mái lợp ngói dạng ống bằng men màu xanh rêu. Trên cùng còn trang trí nhiều hình thù sống động như kỳ lân, cá vàng, hoa lá. Đặc biệt, tại đây có gắn hai bảng hiệu lớn: một bảng tiếng Hoa là “Phước An Hiệu” và một bảng tiếng Việt là “Phủ thờ họ Dương”.

Dẫn lên gian nhà chính là hai lối cầu thang màu vàng nổi bật uốn lượn duyên dáng. Từ bên ngoài nhìn vào, nhà cổ Bình Thủy được xây dựng trên 1 nền móng khá cao ráo.

Lối kiến trúc Đông Tây kết hợp

Lối kiến trúc Đông Tây kết hợp
Ngôi nhà được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông Tây với nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Đây là ngôi nhà phá vỡ quy tắc 3 gian truyền thống quen thuộc ở miền Tây. Không gian gồm: Nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, cùng với đó là các tiểu cảnh trong và ngoài.

Đặc biệt là ở gian nhà chính, khi xây dựng nơi đây được lót một lớp muối hột dày khoảng 10cm dưới nền gạch bông với mục đích vừa xua đuổi côn trùng mang sự thông thoáng ngôi nhà vừa tránh những tà vật xâm hại theo quan niệm phong thủy. Xung quanh căn nhà toàn bộ các bức tường đều được dán gạch. Mái nhà được lợp 3 lớp, hai lớp dưới có dạng hình lồng máng từ dưới nhìn lên rất thông thoáng.

Ngăn cách nhà trước, nhà sau, nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người dân Việt ở Nam Bộ.

Sự giao tiếp văn hóa một cách hài hòa, có chọn lọc thể hiện qua cách bày trí trong nhà

Sự giao tiếp văn hóa một cách hài hòa, có chọn lọc thể hiện qua cách bày trí trong nhà
Ảnh: @kall.is.star

Nhà cổ Bình Thủy là hiện thân của sự giao thoa văn hóa Đông Tây có chọn lọc của người Việt, điều này được thể hiện rõ nét qua cách bày trí của ngôi nhà. Mặc dù kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt.

Trong gian nhà chính có ba bộ bàn ghế trông rất lộng lẫy: một bộ dành để tiếp khách, một bộ dành cho gia đình ăn cơm và một bộ dùng để trò chuyện. Bên phải gian nhà từ ngoài nhìn vào là 2 bộ bình bông lớn cỡ to. Trên tường là những tấm bằng khen được treo rất ngay ngắn. Bên trái là những tấm ảnh lưu niệm từ đoàn làm phim, vài dòng ký gửi của các đạo diễn và một vài tờ báo nói về nhà cổ Bình Thủy được cắt ra.

Chính giữa nhà là một gian thờ lớn đúng theo kiểu truyền thống của người Nam Bộ xưa. Bộ bài vị, lư hương, đèn và những kiến trúc chạm trổ đều được bài trí rất tinh tế. Toàn bộ những nét điêu khắc của ngôi nhà đều được lấy từ hình tượng những con vật mang đến sự hưng thịnh cho gia chủ như dơi, chim, công, tôm, cua, rồng, phượng… Bên cạnh đó, hình ảnh mai, sen, cúc, trúc, lan cũng được đưa vào một cách khéo léo và tài tình.

Được biết, gia tộc họ Dương từ xa xưa đã nổi tiếng với thú chơi đồ cổ, thế nên có rất nhiều cổ vật quý giá được sưu tầm và cất giữ tại đây như bộ bàn ghế đá cẩm thạch từ Vân Nam (Trung Quốc), bộ sa-lông Pháp từ thời Louis, tách chén từ thời Minh – Thanh và cặp đèn treo từ thế kỷ 19. Bằng giá trị kiến trúc, lịch sử của mình, nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là “di tích nghệ thuật cấp quốc gia”, ngày càng thu hút nhiều khách đến thăm.

Vườn lan Bình Thủy

Vườn lan Bình Thủy
Không chỉ nổi tiếng bởi gian nhà chính lộng lẫy và nguy nga, nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng gần xa bởi vườn lan Bình Thủy. Ông Dương Văn Ngôn - hậu duệ đời thứ năm của gia tộc họ Dương có thú chơi hoa kiểng. Ông đã sưu tầm về vườn nhà rất nhiều giống lan quý hiếm từ khắp mọi nơi. Đặc biệt trong đó phải kể đến cây xương rồng Mexico Kim hơn 40 năm tuổi vô cùng nổi tiếng.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên