Phố cổ Hội An, Phố cổ Hà Nội – Vẻ đẹp thời gian ngưng đọng
Với kiến trúc cổ xưa mang đậm nét truyền thống Việt, phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội là 2 khu phố cổ nổi tiếng luôn nhận được sự quan tâm lớn của du khách trong và ngoài nước.
PHỐ CỔ HỘI AN
Ảnh: @Tony BắcPhố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam là một trong những phố cổ thu hút khách du lịch nhất Việt Nam. Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII.Khu phố cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện tích khoảng 2km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Và đường Trần Phú là trục đường chính ở phố cổ, nơi đây tập trung rất nhiều những công trình kiến trúc quan trọng, cũng như những ngôi nhà cổ điển hình cho kiến trúc Hội An. Nổi bật nhất trong số này là các hội quán do người Hoa xây dựng để tưởng nhớ đến quê hương của họ.
Kiến trúc truyền thống điển hình của những ngôi nhà cổ
Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An chính là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống. Những vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đây đều có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và bão lụt hàng năm của vùng này. Thông thường, các ngôi nhà có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Thực chất, nhà phố ở Hội An bao gồm nhiều nếp nhà bố trí theo chiều sâu và cấu thành không gian kiến trúc gồm 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Cách phân chia này phù hợp với mặt bằng hẹp và kết hợp nhiều công năng của ngôi nhà. Có thể nhận thấy đây là một sản phẩm kiến trúc mang tính văn hóa khu vực.Theo thống kê Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và Chùa Cầu.
Chùa Cầu – Biểu tượng chùa miếu ở Hội An
Ảnh: @nulici.fotosChùa Cầu còn được gọi là chùa Nhật Bản, được xây dựng theo kiểu Nhật nhưng sau nhiều lần trùng tu, người ta nhận thấy nó ngày càng mang đậm nét văn hóa Việt – Trung. Chùa Cầu dài khoảng 18m, có mái che, được làm bằng gỗ có sơn son chạm trổ rất công phu, cong cong vắt qua lạch nước chạy ra sông Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chùa không có tượng Phật mà gian chính có thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ như thể hiện khát vọng về hạnh phúc, niềm vui của con người của những người dân đất cổ Hội An.
Nhà cổ Tấn Ký – Kiến trúc cổ vẫn còn giữ nguyên vẹn
Ảnh: @koyuki__tanakaĐược xây dựng hơn 200 năm trước đây, nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ nguyên được dáng vẻ và cấu trúc như ban đầu dù trải qua nhiều trận thiên tai khắc nghiệt. Tấn Ký là đại diện cho kiến trúc hình ống - đặc trưng của loại nhà phố lâu đời ở Hội An, gần như không có cửa sổ nhưng không hề có cảm giác nặng nề, ngột ngạt nhờ sự thông thoáng ở mặt tiền, mặt hậu và nơi giếng trời.Từng chi tiết riêng của ngôi nhà được thiết kế phối hợp nhiều phong cách kiến trúc ở các nước châu Á. Ví như chi tiết trồng rường giả thủ đặc trưng của Nhật, họa tiết trang trí thanh gươm và dải lụa đậm chất phương Đông và kiến trúc thuần Việt thể hiện qua những đường nét mái ngói âm dương.
Nhà cổ Đức An – “Nhân chứng sống” của lịch sử nước nhà
Ảnh: @ baojuanwuNhà cổ Đức An được xây dựng theo lối kiến trúc Việt, tận dụng tối đa ánh sáng tạo không gian thoáng đãng, sử dụng vật liệu chính là gỗ kiềng kiềng có sẵn ở vùng Quảng Nam với ưu điểm có thể chống chịu với thời tiết nóng ẩm ở mảnh đất miền Trung. Đây còn là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Tổ chức Hội Việt Nam, cách mạng thanh niên ở Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam, và gắn liền với người chiến sĩ cách mạng Cao Hồng Lãnh.
PHỐ CỔ HÀ NỘI
Ảnh: @ nguyentruc88Phố cổ Hà Nội - một khu đô thị ngoài thành Thăng Long, là khu phố nổi tiếng với sự sầm uất, buôn bán giao thương trong nước với nhiều ngành nghề mà mỗi khu phố ở đây đặc trưng cho một ngành nghề riêng. Phố cổ còn có tên gọi khác là “Hà Nội 36 phố phường. Mỗi con phố được đặt theo tên một mặt hàng được bày bán trên phố. Giới hạn của phố cổ phía Bắc đến phố Hàng Đậu, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các tuyến phố: Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Trải qua nhiều giai đoạn, khu phố này dù có thay đổi nhưng vẫn tấp nập người mua kẻ bán và sầm uất hơn xưa. Nhiều ngôi nhà cổ được cải tạo đổi mới, nhiều nhà được xây dựng lại với nhiều kiểu cách. Nhiều đình, đền, chùa được tu sửa. Hoạt động của khu phố cổ trở nên nhộn nhịp bởi lượng khách du lịch đến nhiều.
Phố Hàng Trống
Hàng Trống ngày xưa là một con phố buôn với nhiều nghề thủ công như tranh dân gian của chính dân làng Tự Tháp, nghề làm trống hội của những người dân làng Liên Thượng, nghề làm đàn của dân Đào Xá. Ngày nay, hàng Trống đã thay đổi nhiều với những cửa hàng thời trang cao cấp, những galery sang trọng nằm san sát và nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước.
Phố Hàng Đào
Phố Hàng Đào thu hút du khách bởi những những địa danh lịch sử lâu đời cùng các mặt hàng vải vóc. Nơi đây còn được ví như "con đường tơ lụa" thu nhỏ của thủ đô với các hàng quán bày bán la liệt các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tơ lụa truyền thống, đồ lưu niệm, và cả các mặt hàng tiêu dùng bình dân nhất.
Phố Hàng Mã
Phố Hàng Mã kinh doanh nhiều mặt hàng và lúc nào nó cũng nhộn nhịp luôn là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Vào những ngày lễ Tết như ngày Tết Trung Thu, tết Ông Công Ông Táo, Tết Nguyên Đán thì nơi đây luôn tràn ngập trong sắc màu rực rỡ. Con phố trở đã trở thành con phố của những sắc màu văn hóa dân gian và mang đậm dấu ấn tâm linh của người phương Đông.