Review một ngày ghé thăm làng gốm Bát Tràng Hà Nội

Cẩm nang du lịch 22/07/2022 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Cách thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía Đông - Nam, làng gốm Bát Tràng là địa điểm du lịch Hà Nội lưu giữ tinh hoa của nghề gốm Việt, cũng là một trong những làng nghề lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam.

Đến thăm làng gốm vào một cuối tuần đẹp trời, chúng tôi đã có những trải nghiệm khó quên khi được tự mình làm nên những sản phẩm gốm, tuy còn vụng về nhưng mang nhiều ý nghĩa. 

Di chuyển đến làng gốm Bát Tràng Hà Nội

Di chuyển đến làng gốm Bát Tràng Hà Nội
Cách đơn giản nhất để đi thăm làng gốm Bát Tràng là “đồng hành” cùng xe buýt.
Người bạn của nhóm chúng tôi ở Hà Nội xung phong làm “hoa tiêu” dẫn đường cho chuyến thăm làng gốm Bát Tràng tự túc lần này. Cả nhóm bắt xe buýt số 47 ở bến Long Biên, ngồi thư thả trên xe ngắm nhìn đồng lúa xanh mướt và 30 phút sau đã thấy ngôi làng nghề cổ kính hiện ngay trước mắt.

Nếu muốn chủ động hơn trong việc di chuyển, bạn cũng có thể chọn phương tiện xe máy. Chạy xe băng qua cầu Chương Dương, rẽ phải rồi cứ thế men theo con đê là sẽ tới làng gốm Bát Tràng.

Ấn tượng đầu tiên khi đến làng gốm Bát Tràng

Ấn tượng đầu tiên khi đến làng gốm Bát Tràng
Ngôi làng nghề nổi danh gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ giây phút đầu tiên bằng không gian đậm chất hoài cổ. Dường như những năm tháng của thời gian đã ăn sâu vào từng viên gạch, từng tấm ngói thâm nâu. Dạo một vòng quanh làng, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những bức tượng gốm và vô số đồ dùng bằng gốm được người trong làng bày bán ngay trước cửa nhà. Những giàn phơi gốm đã phủ màu thời gian nằm kế tiếp nhau trở thành bức phông nền ấn tượng cho cả nhóm thỏa thích chụp ảnh.

Trải nghiệm tự tay làm gốm

Trải nghiệm tự tay làm gốm
Qua khỏi khu vực bày bán của các hộ gia đình, chúng tôi bước vào khu vực chợ gốm. Tại đây, chúng tôi trả một mức phí rẻ không tưởng, chỉ 10,000 đồng một người là đã có thể tham gia nặn gốm. Anh thợ vui tính nhanh nhảu “phát” cho mỗi người một cục đất sét to và ẩm, hướng dẫn chúng tôi sử dụng chiếc bàn xoay nho nhỏ đặt dưới đất của riêng mình. Lần đầu tiên, chúng tôi được cầm trên tay một cục đất sét tự nhiên chứ không phải là loại nhân tạo đủ màu sắc để “làm thủ công” như khi còn tiểu học. Quá hào hứng, chúng tôi hì hục bắt tay ngay vào việc.

Chiếc bàn nặn xoay tít mù quả là một “con ngựa bất kham”. Dù có cẩn thận, chăm chút cách mấy, chiếc cốc tôi nặn vẫn cứ méo mó đến tội! Chỉ cần thao tác “lệch một ly” thì hình dạng của chiếc cốc đã “đi một dặm” so với ý tưởng ban đầu. Thế mới biết, trở thành nghệ nhân làm gốm không dễ dàng chút nào. Sau cả tiếng cặm cụi, cả nhóm mới nặn ra được những sản phẩm tạm cho là… có hình có dạng. Mặt mũi lấm lem toàn đất sét nhưng ai nấy đều vui vẻ, sảng khoái. Anh thợ hướng dẫn cho chúng tôi biết phải chờ 30 phút để gốm khô rồi mới có thể trang trí được. Thế là tranh thủ thời gian, chúng tôi cùng nhau khám phá ẩm thực tại chợ Bát Tràng.

Thưởng thức món canh măng mực – Đặc sản rất riêng tại Bát Tràng

Thưởng thức món canh măng mực – Đặc sản rất riêng tại Bát Tràng
Ngôi chợ nhỏ bán đầy những thức quà truyền thống như bánh tẻ, bánh sắn nóng hổi. Cả bọn chia nhau những miếng bánh nhỏ mà nghe tuổi thơ như ùa về trong ký ức. Một món đặc trưng tại Bát Tràng mà bạn không nên bỏ qua chính là canh măng mực. Người dân nơi đây luôn dành món canh này cho những dịp lễ Tết, cưới hỏi quan trọng. Bát canh măng mực múc ra phải có màu vàng ươm, nước dùng phải trong và ngọt lịm. Khi ăn măng mực sẽ giòn giòn, dai dai quyện cùng hương thơm hấp dẫn. Ngoài ra, các hàng quán quanh chợ cũng bán đủ những món lẩu, bún, miến với giá cả khá “mềm”, không có tình trạng chặt chém như những địa điểm du lịch khác.

Thu thành phẩm của chuyến du lịch Bát Tràng 1 ngày

Thu thành phẩm của chuyến du lịch Bát Tràng 1 ngày
Sau khi ăn uống thoả thích, chúng tôi quay trở lại chợ gốm để hoàn thành những tác phẩm của mình. Gốm đã khô, cả bọn được hướng dẫn cách dùng màu để trang trí. Đây là lúc trí tưởng tượng và sức sáng tạo của chúng tôi được tự do bay bỗng, đến mức đôi khi vô tình nhìn sang tác phẩm “đẹp lạ” của nhau, chúng tôi lại có một trận cười nghiêng ngả. Chờ đến khi cả nhóm đều hoàn toàn ưng ý với tác phẩm, không còn muốn chỉnh sửa gì thêm, anh thợ mới phủ thêm một lớp sơn bóng bên ngoài. Lớp sơn bóng sẽ giúp lớp sơn không bị hỏng và lâu bền hơn với thời gian. Chúng tôi chỉ trả khoảng từ 30,000 đồng đến 50,000 đồng là được mang sản phẩm của mình về nhà. Dù vụng về, nhưng mỗi món đồ tự tay làm sẽ trở thành một vật lưu niệm quý giá và đầy ý nghĩa.

Rời khu chợ gốm, trên đường trở về, chúng tôi khoe nhau những món đồ gốm quý báu tạo nên từ chính đôi tay mình và chuyền tay nhau chiếc camera ghi lại những hình ảnh thú vị của một chuyến “phượt” lý thú về miền đất gốm.

Hiện nay, du lịch Hà Nội đến với làng gốm Bát Tràng bạn còn có thể tha hồ sống ảo ở cháy máy “Bảo tàng gốm Bát Tràng” nữa đó, nhưng tiếc là chúng tôi không đủ thời gian để ghé qua đây, vì chúng tôi phải quay về khách sạn nghỉ ngơi "nạp lại năng lượng" cho hành trình phượt chinh phục vùng đất Hà Giang vào sáng sớm rồi. Thế nên hẹn “Bảo tàng gốm Bát Tràng” lần sau nhé!

Tin mới

Tin ngẫu nhiên