Rộn ràng chợ nổi miền Tây những ngày cận Tết

Cẩm nang du lịch 22/11/2022 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Miền Tây được mệnh danh là xứ sở của sông nước. Với hơn 54.000km sông rạch tổng cộng, khởi thủy đời sống bà con nơi đây gắn liền với sông. Những ngày giáp Tết, các khu chợ nổi ở miền Tây lại nhộn nhịp vô cùng, không khí vui tươi ở đây thu hút rất đông khách tham quan, du lịch. Cảnh trên bến dưới thuyền đã được nhiều tác giả mô tả qua nhiều tác phẩm ảnh, sách, trong đó có Hồi ký Xứ Đông Dương - L'Indo Chine francaise của Paul Doumer.

Cũng từ yếu tố sông nước, với hệ thống hàng trăm chợ nổi tỏa khắp Nam Bộ cũng tạo nét riêng không lẫn vào đâu được của vùng đất Chính rồng này. Từ TP Hồ Chí Minh xuôi về Đất Mũi, bạn sẽ gặp chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Gành Hào, chợ nổi Thới Bình trên sông Trẹm (Cà Mau)... 

Chợ nổi miền Tây rộn ràng những ngày giáp Tết

Chợ nổi miền Tây rộn ràng những ngày giáp Tết
Độ từ 20 tháng Chạp trở đi (tức tháng 12 âm lịch), các chợ nổi nhộn nhịp hơn ngày thường. Âu cũng bởi nhờ không khí Tết, các ghe thuyền cũng tấp nập hơn để hàng hóa được tỏa đi các miền xa. Nếu ngày thường chỉ có các sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thì vào những ngày cận Tết, chợ như một vườn hoa nổi trên mặt nước. Nhìn từ trên cao, chợ nổi chẳng khác những vườn thượng uyển với đủ các màu xanh đỏ tím vàng...

Những chậu hồng, cúc, vạn thọ như nét chấm phá đơn giản nhưng hiệu quả cho bức tranh chợ trên sông. Những cô gái điều khiển tắc ráng chở đầy hoa từ những con rạch nhỏ đi ra tập trung nơi chợ nổi, không chỉ chào bán các loại hoa nhà trồng thơm tho đẹp mắt, mà nụ cười lúng liếng của những cô gái miền Tây cũng tạo nên nét thiện cảm chân tình nơi những khách lãng du.

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Là một trong ba chợ nổi lớn nhất Tây Nam bộ, chợ nổi Cái Răng cách thành phố Cần Thơ chỉ vài cây số. Sản phẩm chủ lực của chợ này được tập trung từ những tỉnh lân cận, cũng là nông sản đặc trưng. Đến đây, ngoài được tận mắt mục sở thị đời sống thương hồ, du khách còn được thưởng thức khá nhiều đặc sản, từ ly cà phê sáng thơm tho mùi sương sớm, tô bún riêu chan chứa vị đồng bằng, hay những loại bánh dân gian được các chị, các mẹ chuẩn bị sẵn trên những chiếc ghe tam bản tỏa khắp chợ để phục vụ du khách. Chính mùi thơm quyến rũ cùng cung cách phục vụ chơn chất nhà quê khiến ai có dịp đến đây đều nhủ lòng quay trở lại.

Chợ nổi Cái Bè Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè Tiền Giang
Nếu chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ có nét hiện đại của "một đô thị văn minh" trên sông thì Cái Bè (Tiền Giang) là ngôi chợ nổi xưa nhất nhì xứ sở này. Ngoài cảnh ghe thuyền tấp nập, chợ nổi Cái Bè còn thu hút du khách bởi bức tranh thủy mặc của một đô thị bình yên với những khu vườn nối tiếp vườn, những dãy phố cũ kỹ nằm dọc theo triền sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước và những rặng bần - còn được gọi là thủy liễu, như tô thêm nét duyên lặng lẽ cho khúc sông thơ mộng nơi ngôi chợ thương hồ tọa lạc. Không biết có sự phân chia rạch ròi nào hay không, nhưng nếu như Cái Răng họp từ sáng đến trưa thì chợ nổi Cái Bè lại họp từ khuya đến tờ mờ sáng là vắng bóng.

Chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang

Chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang
Được hình thành từ năm 1915, do sức lan toả, tác động quá lớn, Phụng Hiệp trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. "Ngôi sao Phụng Hiệp" - như người Pháp thường gọi - còn được dự kiến lập thành thương cảng cho cả vùng Hậu Giang mênh mông ngày trước. Với hệ thống hàng trăm chợ nổi đang tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long thì Phụng Hiệp được xem là chợ nổi độc đáo và lớn nhất. Chợ Ngã Bảy là chợ tổng hợp, có thể mua sỉ, bán lẻ; phong phú đa dạng đủ loại hàng hóa mang đặc trưng sắc màu cuộc sống Nam Bộ. Thời mở cửa, sản phẩm đồng bằng theo dòng nước lớn qua Ngã Bảy, ra tận đất Bắc, vượt biên giới đến với bạn bè năm châu.

Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Và ngày Tết thì cơ hồ là hoa, từ trên cao, chợ nổi Phụng Hiệp như bức tranh sơn dầu mà ở đó, vị họa sĩ tài ba đã vẽ nên cái hồn, cái cốt của một miền đất có trầm tích văn hóa lâu đời thông qua một ngôi chợ. Ở đây, mỗi phương tiện chỉ bán một loại trái cây, hay một loại sản phẩm nào đó, và sản phẩm đó sẽ được treo lên một cây sào cao, để “bẹo” hàng, tượng trưng như là để thông báo rằng: "tôi là nhãn", "còn tôi là xoài", mời anh chị ghé mua.

Đặc sản “cây bẹo” – Hình thức rao bán độc đáo chỉ có ở chợ nổi miền Tây

Đặc sản “cây bẹo” – Hình thức rao bán độc đáo chỉ có ở chợ nổi miền Tây
Cây bẹo là hình tượng độc đáo nhất ở chợ nổi, một cách bẹo hàng khá ấn tượng chỉ có ở chợ nổi. Ở những chợ vùng trên như Cái Răng, Cái Bè, hay Ngã Năm, Phụng Hiệp, cây bẹo được bà con sử dụng cây tầm vông dài và thẳng đứng, cấm bên ghe và treo lên đó đủ thứ mà ghe mình có bán. Còn đối với các chợ nổi vùng dưới như Gành Hào, U Minh, Thới Bình, Tắc Cậu cũng có cây tầm vông như chợ nổi vùng trên, nhưng nhiều ghe thương hồ còn chọn cây đước, cây vẹt, được làm cho sạch bóng và giữ nguyên nhiều nhánh làm dụng cụ bẹo hàng. Bà con lý giải vì miền dưới còn nhiều cầu khỉ, cây đước nhỏ, thấp nên có thể đi qua được những cầu khỉ cao nghêu, còn tầm vông quá cao nên nhiều nơi đi qua chẳng lọt.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên