Thăm chùa Từ Hiếu Huế, ngôi cổ tự độc đáo của Cố đô
Ẩn mình trong một rừng thông, chùa Từ Hiếu Huế là ngôi cổ tự biểu tượng của lòng hiếu thảo. Ngôi chùa nhuốm màu hoang sơ huyền bí giữa đạo và đời mà theo thời gian, cũng có lẽ vì thế mà địa điểm du lịch Huế này trở thành một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất Cố đô.
Nguồn ảnh: visithue.vn
Nếu cảm thấy mệt mỏi, áp lực với cuộc sống thì hãy làm ngay 1 chuyến du lịch Huế đến với chùa Từ Hiếu cùng hòa mình vào chốn thiên nhiên yên bình, thoải mái để quên đi những phiền muộn, âu lo bạn nhé.
Chùa Từ Hiếu Huế, ngôi chùa biểu tượng cho lòng hiếu thảo
Chùa Từ Hiếu không chỉ thu hút du khách tham quan bởi cảnh quan và những nét kiến trúc mang đậm chất Huế xưa, đem lại cảm giác an yên, tịnh tâm khi bước chân đến mà còn bởi câu chuyện cảm động về lòng hiếu đạo và lòng người của những người con đất Việt.Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên. Ngài nguyên là tăng cang của chùa Giác Hoàng trong cung, sau cáo lão về rừng để nuôi dưỡng mẹ già và tu hành thanh tịnh tại đây. Khi mẹ của ngài bệnh nặng, bỏ mặc ngoài tai những lời dèm pha của người đời là hòa thượng nhưng lại ăn mặn, ngày ngày ông vẫn tận tâm chống gậy băng rừng vượt qua 5km để tìm thịt, cá tươi về nấu cháo cho mẹ.Câu chuyện đến được tai của vua Tự Đức, vốn là người con hiếu thảo, khi biết được chuyện nhà vua liền lấy lòng cảm kích trước tấm lòng của hòa thượng Nhất Định nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Đến năm 1848, sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, vua Tự Đức đã cho mở rộng Thảo Am thành chùa Từ Hiếu như ngày nay. Công trình này kể từ khi mới bắt đầu xây dựng luôn được triều đình, các quan thái giám và các phật tử quan tâm giúp đỡ.
Kiến trúc độc đáo của chùa Từ Hiếu
Chùa Từ Hiếu Huế tọa lạc trên một khu đồi núi thấp khá bằng phẳng, phía trước cổng chùa là một khu đồi thông xanh mát, bên cạnh có một con suối nhỏ trong vắt quanh năm nước chảy. Chùa nổi bật bởi sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc cung đình Huế nhưng có phần giản dị và khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Điều này thể hiện rõ trong từng nét chạm khắc, trong cách đắp và trang trí gốm sứ trên các bức phù điêu với những hoa văn rồng phượng.Nét giản dị của chùa còn được thể hiện qua lối kiến trúc chữ “Khẩu” với ba gian hai chái truyền thống tạo thành tổng thể khép kín. Ngoài thờ những bức tượng Tam thế phật, Phật Thích Ca thì tại chùa còn thờ tranh. Đây cũng là nét đặc biệt khiến không gian chốn thờ tự vốn uy nghiêm trở nên gần gũi hơn.Bên cạnh đó, mỗi gian nhà thờ tự cũng như nơi ở của các vị sư tăng đều mang dáng dấp kiến trúc của những ngôi nhà rường Huế hòa mình với thiên nhiên khiến ai một lần đến đây đều cảm nhận được sự nhẹ nhàng, thư thái trong tâm hồn.
Chùa Từ Hiếu Huế còn là nơi an nghỉ đặc biệt của các vị thái giám
Chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng khắp trong ngoài nước bởi nơi đây còn có một nghĩa trang độc nhất vô nhị - nơi chôn cất các quan thái giám của triều Nguyễn năm xưa. Theo như lời xưa kể rằng, Ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa, xây dựng nhờ vào sự giúp đỡ của một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng, là người có số phận bất hạnh, không có người thân khi về già, ông kêu gọi các vị thái giám trong triều đình đóng góp mở rộng Thảo Am, để sau này khi chết còn có nơi thờ tự, hương khói. Vốn mang thân phận thiệt thòi, họ xem cửa Phật chính là nơi thờ tự lâu dài. Vì thế, sau này các thái giám khi chết được chôn ở một ngọn đồi nhỏ bên cạnh chùa Từ Hiếu.
Nghĩa trang thái giám
Ngày nay, khu nghĩa trang này nằm bên phải của chùa có diện tích gần 1.000m2, xung quanh là những bức tường bảo vệ cao khoảng 1.5m. Hơn 24 ngôi mộ được chia làm ba hàng, sắp xếp từ nhỏ đến lớn theo chức vụ của quan thái giám xưa. Ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của họ đối với triều đình.
Điểm hành hương thu hút khách của du lịch Huế
Với vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc và không gian thơ mộng, ngôi cổ tự này không chỉ là chốn hành hương của các Phật tử mà còn là điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Cứ mỗi dịp Vu Lan về, các Phật tử lại đến chùa làm lễ và cài lên áo những đóa hoa màu hồng hoặc màu trắng để thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình. Ít ai biết rằng đây chính là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh trụ trì, ngài chính là người đã đặt nền móng khai sinh ra tục lễ “bông hồng cài áo” mà đến nay đã trở thành một nét văn hóa riêng của người Việt.