Trải nghiệm đi tour chùa Hương khám phá tuyến Hương Tích

Cẩm nang du lịch 16/09/2020 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa, hang động gắn liền với núi rừng mang những ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Tham gia tour chùa Hương có 3 tuyến chính là Hương Tích, Thanh Sơn Hương Đài và Tuyết Sơn. Trong đó tuyến được du khách chọn tham gia nhiều nhất là tuyến Hương Tích.

Tour chùa Hương có sức hấp dẫn rất đặc biệt với du khách vào dịp lễ hội chùa Hương, đầu mùa hạ và mùa thu. Bởi từ tháng 8 đến tháng 10 là lúc hoa súng, hoa lau đua nhau khoe sắc bên dòng sông Yến hiền hòa. Một khung cảnh rất tuyệt vời để du khách vãn cảnh, viếng thăm chùa và chụp ảnh làm kỉ niệm.
 
Trong hành trình đi tour chùa Hương khám phá tuyến Hương Tích du khách sẽ được đến các điểm tham quan nổi tiếng là Đền Trình - chùa Thiên Trù - động Tiên Sơn - chùa Giải Oan - đền Trấn Song - động Hương Tích - chùa Hinh Bồng.

Đền Trình

Đền Trình
Điểm tham quan đầu tiên trong hành trình đi tour chùa Hương tuyến Hương Tích này là Đền Trình hay còn được biết đến với tên gọi khác là Ngũ Nhạc Linh Từ, Đây là ngôi đền nhỏ nằm ngay bên bìa phải của dòng Suối Yến cách bến đò khoảng 500m thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích - một địa danh hấp dẫn của khách quan du lịch khi đến thăm quan quần thể di tích và danh thắng Chùa Hương.

Đền Trình thờ các vị sơn quân canh rừng núi, giữ cửa chùa, ai vào chùa phải tới đây trình diện trước và là một thủ tục ít ai bỏ qua khi đi tour chùa Hương. Sau khi dâng lễ ở Đền Trình, đò sẽ đưa du khách đi qua cầu Hội và các ngọn núi với tên gọi lạ lẫm như: núi Đổi Chèo, núi Voi Phục, núi Mâm Xôi vào thẳng bến đò Thiên Trù – điểm bắt đầu của hành trình leo núi.

Chùa Thiên Trù

Chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù còn có tên gọi là chùa Trò, chùa Ngoài. Nằm ở thung lũng Thiên Trù, chùa Thiên Trù có niên đại hơn 400 năm (được xây dựng vào năm 1686). Trải qua nhiều năm chiến tranh, chùa bị phá hủy vào năm 1945, di tích còn sót lại của chùa chỉ còn tháp Thiên Thủy và tháp Viên Công.

Xưa có lần vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua đây thấy thiên văn địa lý khu vực chùa ứng với địa phận trên trời nằm vào chòm sao Thiên Trù (bếp Trời), một sao chủ trong tử vi nấu nướng về ăn uống nhân đấy nhà vua đặt tên cho chùa là chùa Thiên Trù, còn thung lũng là Phụ Mã. Sau đó đến thời Lê Trung Hưng chùa được xây dựng với quy mô rộng lớn, lúc đó có tới trên trăm nóc nhà, với những công trình kiến trúc quy mô tinh xảo là một thiền viện lớn, tụ tập các nhà tu hành đạo Phật, lưu giữ Kinh, Luật, Luận của đạo Phật và họ tu hành Phật Pháp tại đây. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại theo nguyên bản nhỏ hơn ngôi chùa cũ vào năm 1988.

Động Tiên Sơn

Động Tiên Sơn
Trong hành trình đi tour chùa Hương tuyến Hương Tích, sau khi chiêm bái chùa Thiên Trù xong du khách rẽ tay phải ngược lên núi Thanh Long, đến lưng chừng núi sẽ nhìn thấy cổng tam quan nổi lên bên sườn núi vút cao như sắp bay lên. Qua cổng vào sâu bên trong là một “toà lâu đài” nho nhỏ tráng lệ dưạ vào vách núi. Đó là khu chùa động Tiên Sơn. Tuy khá nhỏ nhưng nơi này có địa thế và nhiều nhũ đá tuyệt đẹp, nhiều hình dáng như: bàn tay Phật, ngà voi trắng, trái tim, khánh đá, chiêng đá… khi gõ vào sẽ phát ra những âm thanh du dương như tiếng nhạc.

Chùa Giải Oan

Chùa Giải Oan
Trên đường vào động Hương Tích du khách sẽ đến dòng Hồ Khê hay còn gọi là suối Giải Oan. Từ đây nhìn lên phía bên trái là chùa Giải Oan tọa lạc trên triền núi thấp, nơi gắn liền với câu chuyện về Phật Bà Quan Thế Âm thờ trong động Hương Tích. Sau khi được thần núi cứu từ pháp trường về chùa Hương, tại đây Ngài trút bỏ hồng trần để vào động Hương Tích tu hành. Ngôi chùa Giải Oan cổ xưa với kiến trúc mái ngói đỏ cong vút, từng cánh cửa cổ mộc mạc, gần đó là một giếng nước nhỏ, gọi là giếng Thiên Nhiên Thanh Trì với làn nước trong vắt, thuần khiết.

Đền Trấn Song

Đền Trấn Song
Điểm đến tiếp theo trong hành trình đi tour chùa Hương tuyến Hương Tích là đền Trấn Song thường gọi là đền Cửa Võng. Xưa nơi đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ do dân làng Yến Vỹ xây dựng lên từ thủa xa xưa để thờ bà “Chúa Rừng” có tên hiệu là “Thượng Ngàn Vân Hương Công Chúa Lê Mại Thánh Mẫu". Bà Chúa Rừng được nhân dân sở tại tôn vinh như một đấng siêu phàm hiện thân ở núi rừng nhiều của cải. Mặt khác khi thờ Bà đân làng cầu mong Bà Chúa phù hộ cho cư dân gặp nhiều may mắn khi đi vào rừng làm nương hái lượm. Ngôi đền này không những là cảnh đẹp của chùa Hương mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn văn hoá, lịch sử của dân tộc. Năm 1958, khi Bác Hồ ghé thăm chùa Hương đã nghỉ trưa tại đây.

Động Hương Tích

Động Hương Tích
Động Hương Tích được xem là Nam Thiên đệ nhất động – động đẹp nhất Việt Nam. Trong động là nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Lối vào động Hương Tích, trên vách đá cao bên trái có khắc năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” là của chúa Tĩnh Đô Vương – Trịnh Sâm đặt bút đề tháng ba năm Canh Dần (1770) khi nhà Chúa tuần du Sơn Nam. Trong động, những khối thạch nhũ to nhỏ được người xưa thổi hồn đặt tên theo hình dáng tự nhiên. Trên trần động Hương Tích, rũ xuống chín nhũ đá hình chín con rồng chầu một khối thạch nhũ dưới nền động, gọi là “Cửu long tranh châu”.

Chùa Hinh Bồng

Chùa Hinh Bồng
Được xây dựng từ năm 1932, chùa Hinh Bồng cũng được xem là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Hương Sơn và là điểm đến thú vị của tuyến Hương Tích. Đường lên động khá dốc và uốn khúc như thử thách lòng kiên trì của những người mộ đạo. Do vậy, số lượng người tới động cũng ít hơn. Bên trong động thu hút bởi những nhũ đá kỳ vĩ tựa những chiếc đèn chùm sống động.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên