Trung thu ở các nước châu Á có gì đặc biệt?

Cẩm nang du lịch 21/09/2021 - Trần Thị Cẩm Nhi (WikiTravel)
pin

Mỗi độ tháng 8 âm lịch đến, nhiều nước châu Á lại tất bật chuẩn bị cho Tết Trung thu, một lễ hội truyền thống có vị trí đặc biệt trong văn hóa mang bản sắc riêng của đất nước đó. Do khác biệt văn hóa nên mỗi nước đều có cách đón lễ hội trăng rằm theo một cách riêng biệt.

Ảnh: Shutterstock/Midori Photography

Trung thu ở Trung Quốc

Trung thu ở Trung Quốc
Trung Quốc được xem là “cha đẻ” của lễ hội Trung thu, với nhiều sự tích, truyền thuyết li kì về tết Trung thu, về chị Hằng và Thỏ Ngọc trên cung trăng… Tết Trung thu ở Trung Quốc đã có từ thời Đường Huyền Tông, vào đầu thế kỷ thứ 8. Ban đầu, họ chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết ngắm trăng. Sau này, Trung thu là tết đoàn viên vì người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp của gia đình. Vào dịp này, những người thân trong gia đình đều trở về quây quần bên mâm cơm, cùng trò chuyện và tận hưởng không khí vui vầy. Do đó, loại bánh sử dụng trong dịp này thường là bánh nướng có hình tròn. Trên bánh, họa tiết có thể có hoặc không. Nổi bật nhất là bánh trung thu theo phong cách Quảng Đông, Bắc Kinh, Triều Sán, Vân Nam, Tô Châu, Ninh Ba, Thượng Hải, Hong Kong.

Trung thu ở Malaysia

Trung thu ở Malaysia
Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8 và thắp đèn lồng để đón mừng Tết Trung thu. Trong suốt mùa Trung thu ở Malaysia, bánh Trung thu được bày bán ở khắp nơi. Bánh Trung Thu ở Malaysia đặt sự sáng tạo lên hàng đầu, do đó hình dạng bánh ở quốc gia này phong phú, có cả hình sò biển, bông hoa hoặc ngôi sao. Cùng với đó là các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa sôi động như múa lân, múa sư tử tạo nên không khí tưng bừng ở trên các đường phố.

Trung thu ở Hàn Quốc

Trung thu ở Hàn Quốc
Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là lễ Chunseok và có nét khá tương đồng với Trung Quốc. Dịp này, người dân sẽ mặc áo Hanbok, ăn những món ăn truyền thống như bánh songpyeon (loại bánh được làm từ gạo, nhân đậu), uống rượu sindoju... Người Hàn Quốc quan niệm trăng khi tròn khi khuyết giống như cuộc đời của con người, luôn biến đổi để đạt đến hoàn mỹ.

Trung thu ở Nhật Bản

Trung thu ở Nhật Bản
Tại xứ sở hoa anh đào, Tết Trung thu có tên gọi là Tsukimihay Otsukimi, có nghĩa là ngắm trăng. Vào dịp này, người Nhật thường làm món bánh Tsukimi Dango truyền thống từ bột gạo nếp. Họ tin rằng thỏ ngọc sống trên mặt trăng. Tùy vào văn hóa và phong tục của từng vùng miền, Tsukimi Dango mang các hình dạng khác nhau. Nơi nặn bánh hình chữ nhật, nơi ép dẹt nhưng phổ biến nhất vẫn là hình tròn. Trẻ em Nhật Bản thường tham gia vào lễ hội rước cá chép. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.

Trung thu ở Việt Nam

Trung thu ở Việt Nam
Tết Trung thu là một trong những lễ hội cổ truyền được người dân tổ chức linh đình nhất tại Việt Nam. Ngày lễ này thường được mặc nhiên công nhận là “tết của trẻ em”, vì vậy mà người lớn ngoài việc mua bánh nướng, bánh dẻo về thắp hương vào đúng ngày trăng tròn 15/8 âm lịch, còn mua rất nhiều đồ chơi cho con, cháu mình. Tại Việt Nam, bánh trung thu gồm 2 loại: Bánh nướng và bánh dẻo. Thông thường, bánh nướng và bánh dẻo có hình tròn hoặc hình vuông. Hoa văn phổ biến in nổi trên bánh là bông sen. Bánh truyền thống có nhân đậu xanh, hạt sen hoặc thập cẩm. Ngoài hình vuông và hình tròn, bánh Trung thu ở Việt Nam còn sở hữu hình thù đa dạng như con lợn hoặc con cá. Khi phá cỗ, người ta cắt bánh ăn cùng nhau bên cạnh những đồ ăn khác như cốm, chuối tiêu, hồng và bưởi.

Tin mới

Tin ngẫu nhiên